Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

5 Bộ Phim Hay Nhất Về Lễ Phục Sinh

(Ảnh chụp từ màn hình video)

5 BỘ PHIM HAY NHẤT VỀ LỄ PHỤC SINH
Lê Đào biên dịch



Ngày lễ thiêng liêng nhất trong tất cả các ngày lễ Cơ Đốc Giáo sắp đến vào cuối tuần này. Đây có lẽ là thời điểm lý tưởng để tập trung vào một vài bộ phim chất lượng cao về chủ đề Lễ Phục Sinh. Không giống như hầu hết các phim Giáng Sinh, với số lượng nhiều hơn hẳn và chú trọng vào sức hấp dẫn thương mại (nhưng ít mang lại nội dung tinh thần thực sự ý nghĩa), những bộ phim chọn lọc về lễ Phục sinh này nhấn mạnh vào đức tin, thông điệp, sự cứu chuộc, và niềm hy vọng.

Tất cả các tựa phim này hiện có trên các loại dịch vụ phát trực tuyến; để có thêm nhiều chọn lựa, xin mời truy cập trang JustWatch.com

‘Ben-Hur’ (1959)

Phim chuyển thể thứ hai (sau phim câm năm 1925) từ tiểu thuyết “Ben-Hur: A Tale of the Christ” (Ben-Hur: Câu Chuyện về Chúa Jesus) năm 1880 của tác giả Lew Wallace hiển nhiên là tựa phim quen thuộc nhất, nổi tiếng nhất trong danh sách này. Bộ phim sử thi đồ sộ này của đạo diễn William Wyler đã thắng 11 giải Oscar (một kỷ lục hiện sánh ngang với “Titanic” và “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Sự trở về của nhà vua,” bao gồm cả giải dành cho Phim xuất sắc nhất.

Diễn viên đạt giải Oscar Charlton Heston trong vai Judah Ben-Hur, một nhà quý tộc người Do Thái bị cáo buộc phạm trọng tội và sau đó bị buộc trở thành nô lệ. Anh phải chiến đấu để giành lại tự do của mình trước người bạn thời thơ ấu (và cũng là chiến binh La Mã tàn bạo) Messala (do tài tử Stephen Boyd thủ vai), kết thúc bằng cảnh đua ngựa mang tính biểu tượng.

Một trong những tình tiết phụ cảm động nhất của bộ phim, diễn viên Haya Harareet (thủ vai Esther) và diễn viên Martha Scott (thủ vai Miriam) cùng đóng vai chị gái và mẹ của Ben-Hur, những người mắc bệnh phong. Nhân vật chỉ được nhìn thấy từ xa hoặc từ phía sau, cũng không có lời thoại xuyên suốt cả bộ phim là tài tử Claude Heater (không được xướng danh) trong vai Chúa Jesus. Tài tử Heater hoàn toàn thống trị màn ba của phim trong quá trình khắc họa Cuộc Khổ nạn của Chúa Jesus. Bất kể bạn làm gì, hãy tránh xa bản làm lại (remake) cùng tên thất bại thảm hại và hoàn toàn không cần thiết vào năm 2016.

Bích chương phim “Ben Hur.” (Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer)

Bích chương phim “Ben Hur.” (Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer)

‘The Last Temptation of Christ’ (Cám dỗ cuối cùng của Đấng Christ) (1988)

Dựa trên cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi năm 1955 của tác giả Nikos Kazantakis và được nhà biên kịch Paul Schrader chuyển thể lên màn ảnh, đạo diễn Martin Scorsese đã mất hơn một thập niên để sản xuất bộ phim này — tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của ông nhất tính đến thời điểm đó. Vấp phải sự phản đối và đe dọa nghiêm trọng từ nhiều tổ chức (tôn giáo lẫn phi tôn giáo) thậm chí trước khi bắt đầu bấm máy, bộ phim “Temptation” mang nhiều thông điệp hy vọng và sâu sắc hơn nhiều so với những gì mà những người chưa từng xem nó thường xuyên khẳng định.

Ngoại trừ việc chọn diễn viên chưa phù hợp của Đạo diễn Scorsese, với Harvey Keitel (diễn viên quen thuộc của Scorsese) trong vai Judas, thì các diễn viên David Bowie trong vai Pontius Pilate, Barbara Hershey trong vai Mary Magdalene, và Willem Dafoe trong vai Chúa Jesus, tất cả đều mang đến những màn diễn xuất tuyệt vời và có đầu tư kỹ lưỡng. Nếu phim được thực hiện sớm hơn ba năm như đạo diễn Scorsese dự tính, thì ca sĩ quá cố Vanity sẽ được chọn vào vai Magdalene, ca sĩ Ray Davies của ban nhạc Kinks sẽ đóng vai Judas, ca sĩ Sting của ban nhạc The Police sẽ xuất hiện trong vai Pilate, và Aidan Quinn trong vai Chúa Jesus. Đó sẽ là một bộ phim rất khác.

Bích chương quảng cáo cho phim “Last Temptation of Christ” (Cám dỗ cuối cùng của Đấng Christ). (Ảnh: Universal Pictures)

Bích chương quảng cáo cho phim “Last Temptation of Christ” (Cám dỗ cuối cùng của Đấng Christ). (Ảnh: Universal Pictures)

‘Risen’ (Phục sinh) (2016)

Một ứng cử viên tiềm năng bị đánh giá thấp (cũng không hẳn vậy) trong danh sách này, “Risen” (Phục sinh) đã thu về gấp đôi ngân sách khiêm tốn 20 triệu USD tại phòng vé, và như thường lệ, gây chia rẽ trong giới phê bình. Xây dựng câu chuyện dựa trên các sách Phúc Âm, đạo diễn Kevin Reynolds (đạo diễn của các phim “Fandango,” “Waterworld,” “Bá tước Monte Cristo”) và đồng biên kịch Paul Aiello thể hiện Lễ Thăng thiên như một quá trình điều tra tội phạm bí ẩn và gọi Đấng Christ là “Yeshua.”

Diễn viên Joseph Fiennes đóng vai Clavius, một Quan bảo dân La Mã hư cấu được Pontius Pilate (do tài tử Peter Firth thủ vai) cử đi điều tra vụ mất tích của một người đàn ông vừa bị đóng đinh trên thập tự giá được gọi là “Đấng Cứu Thế.” Nhận được rất ít hoặc không có sự giúp đỡ nào từ các môn đồ và những manh mối đã cũ (hoặc cố tình [bị làm cho] mơ hồ), Clavius ​​​​bắt đầu cảm nhận được cơn thịnh nộ không chỉ từ Pilate, mà còn từ các nhà lãnh đạo tôn giáo và hệ thống cấp bậc Do Thái, đồng thời bắt đầu suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình. Chỉ riêng tính độc đáo, thì bộ phim “Risen” chắc chắn xứng đáng được đánh giá năm sao.

Bích chương quảng cáo cho phim “Risen” (Phục sinh). (Ảnh: Sony Pictures Entertainment)

Bích chương quảng cáo cho phim “Risen” (Phục sinh). (Ảnh: Sony Pictures Entertainment)

‘King of Kings’ (Vua của các vua) (1962)

Mặc dù nhận được nhiều ủng hộ từ khán giả và đánh giá cao từ giới phê bình, bộ phim “King of Kings” (Vua của các Vua) ban đầu đã vấp phải một số phản ứng dữ dội khi hãng phim MGM và đạo diễn Nicholas Ray chọn diễn viên Jeffrey Hunter vào vai Chúa Jesus. Điều đáng nói là ông Hunter lúc đó 33 tuổi, bằng tuổi Chúa Jesus khi Ngài qua đời. Vào thời điểm phát hành phim, nhiều người gọi ông là “cậu bé điển trai mảnh khảnh.” Diễn viên Hunter chủ yếu được biết đến nhờ vai phụ nổi bật trong phim “The Searchers” (Cuộc truy lùng) và các phim Viễn Tây sau đó. Vài năm sau, ông vào vai Thuyền trưởng Christopher Pike của con tàu vũ trụ USS Enterprise trong tập phim mở đầu của loạt phim truyền hình gốc “Star Trek.”

Phù hợp với những miêu tả phần nào đã được giảm nhẹ về sự tàn bạo trong các bộ phim sử thi “sword and sandal” (thanh kiếm và đôi dép) (*) thời bấy giờ, đạo diễn Ray và các nhà biên kịch của ông (Philip Yordan và người không được xướng danh Ray Bradbury) xứng đáng nhận thêm điểm cộng vì kết hợp các sự kiện diễn ra trước khi Đấng Christ giáng sinh và sau khi Ngài qua đời.

Bích chương quảng cáo cho phim “King of Kings” (Vua của các vua). (Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer)

Bích chương quảng cáo cho phim “King of Kings” (Vua của các vua). (Ảnh: Metro-Goldwyn-Mayer)

‘The Greatest Story Ever Told’ (Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể) (1965)

Vào thời điểm sản xuất, đây là bộ phim đắt đỏ nhất mọi thời đại và phải mất hơn 5 năm từ khi phác thảo ý tưởng cho đến khi ra rạp. Bộ phim sử thi này của đạo diễn George Stevens kể về toàn bộ cuộc đời của Chúa Jesus, với thời lượng ban đầu là 260 phút.

Mong muốn tìm một diễn viên ít tiếng tăm vào vai Chúa Jesus (để không làm phân tâm khán giả khỏi cốt truyện), đạo diễn Stevens chọn diễn viên Thụy Điển Max von Sydow (diễn viên yêu thích của đạo diễn Ingmar Bergman, người chưa bao giờ xuất hiện trong một bộ phim Anh ngữ) đóng vai này. Sau đó, đạo diễn đã quy tụ dàn diễn viên gần như là tất cả các ngôi sao điện ảnh hàng đầu thế giới đảm nhận các vai phụ ấn tượng xung quanh ông.

Cho đến nay, bộ phim chưa từng thu được lợi nhuận nhưng vẫn được nhiều người hâm mộ trân trọng, một số người còn cho rằng đây là bộ phim hay nhất về thể loại này từng được sản xuất. Chỉ xét về mặt kỹ thuật trình diễn — hình ảnh, bối cảnh (tất cả đều ở miền Tây Nam Hoa Kỳ), và phần nhạc nền của nhà soạn nhạc đại tài Alfred Newman — thì hiếm có tác phẩm nào trước đó hoặc sau này đạt đến mức độ hoành tráng đáng kinh ngạc như vậy.

Bích chương quảng cáo cho phim “The Greatest Story Ever Told” (Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể). (Ảnh: United Artists)

Bích chương quảng cáo cho phim “The Greatest Story Ever Told” (Câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể). (Ảnh: United Artists)

Chú giải:

(*) Sword-and-sandal = kiếm và dép. Đây là dòng điện ảnh cổ trang thịnh hành và khởi phát tại Ý thập niên 1960, thường lấy các huyền tích Hi La và Thánh Kinh làm điểm tựa.

Lê Đào biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Kính mời quý vị xem phim



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét