Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Giá Vàng Tăng Vọt Lên Mức Cao Lịch Sử Trong Bối Cảnh Căng Thẳng Toàn Cầu Gia Tăng

 

Hình ảnh các thỏi vàng sau khi được kiểm tra và đánh bóng tại công ty chế tác kim loại quý ABC Refinery ở Sydney hôm 05/08/2020. (Ảnh: David Gray/AFP qua Getty Images)

Bài Viết Chuyên Sâu: GIÁ VÀNG TĂNG VỌT LÊN MỨC CAO LỊCH SỬ TRONG BỐI CẢNH CĂNG THẲNG TOÀN CẦU GIA TĂNG
Vân Du biên dịch

Vàng tiếp tục tăng giá, do vị thế là tài sản trú ẩn an toàn trước sự bất ổn toàn cầu thúc đẩy.

Trong bối cảnh xung đột leo thang giữa hai khối quyền lực thống trị thế giới, giá vàng đã tăng lên những mức chưa từng có, nhấn mạnh vai trò của kim loại này như một công cụ phòng ngừa rủi ro hàng đầu. Trong 16 tháng qua, sức hấp dẫn của vàng như một công cụ phòng hộ đã tăng lên cùng với sự tăng giá của kim loại quý này, phản ánh những căng thẳng địa chính trị.

Giá vàng giao ngay đã vượt mức kỷ lục được thiết lập trước đó vào tháng 12/2023, đạt mức cao mới hôm 06 và 07/03. Đến ngày 11/03, giá vàng đã tiếp tục tăng cao hơn nữa, đạt mức cao nhất trong lịch sử, vượt mốc 2,180 USD/ounce.

Bắt đầu vào tháng 10/2022, đợt tăng giá liên tục này đã chứng kiến ​​​​giá vàng tăng vọt khoảng 30%, được thúc đẩy bởi vị thế đã thiết lập từ lâu của vàng trong vai trò là tài sản trú ẩn an toàn giữa những bất ổn toàn cầu.

Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy nhu cầu vàng vào năm 2023 đã tăng lên mức kỷ lục 4,899 tấn, một minh chứng cho sức hấp dẫn lâu dài của kim loại này.

Sự khan hiếm của vàng, vốn là một nguồn tài nguyên không thể tái tạo với trữ lượng hạn chế và sản lượng hàng năm có hạn, cùng với những thách thức ngày càng tăng trong việc khai thác, càng củng cố thêm giá trị nội tại của nó. Trong lịch sử, kim loại quý này từng được xem là một tài sản phòng hộ trước những căng thẳng địa chính trị và tình trạng lạm phát.

Xung đột địa chính trị gia tăng giữa các nhóm lợi ích kinh tế, chiến lược

Bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện đang được khắc họa bởi bốn cuộc xung đột lớn, mỗi cuộc xung đột đều góp phần làm tăng thêm sự bất ổn kinh tế và áp lực lạm phát. Hai trong số các cuộc xung đột đang diễn ra tích cực, với phạm vi leo thang chưa chắc chắn, trong khi hai cuộc xung đột còn lại chứng kiến ​​căng thẳng leo thang nhanh chóng.

Cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, hiện đang bế tắc sau hai năm, phải đối mặt với một thời điểm quan trọng khi gói tài trợ của chính phủ Tổng thống Biden cho Ukraine gặp phải sự phản đối đáng kể từ Hạ viện Hoa Kỳ do Đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Sự phản đối này đặt ra câu hỏi về khả năng các nước EU viện trợ quân sự cho Ukraine.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc áp dụng mọi biện pháp để ngăn chặn Nga giành chiến thắng. Nhắc lại quan điểm này, Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã đề cập trong một cuộc họp báo ở Paris hôm 26/02 rằng một số quốc gia thành viên NATO và EU đang dự tính khai triển quân đội tới Ukraine trên cơ sở song phương.

Điện Kremlin đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc vào ngày hôm sau rằng sự can thiệp trực tiếp của NATO sẽ dẫn đến xung đột không thể tránh khỏi giữa Nga và liên minh này.

Xung đột Israel-Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ năm, đang ngày càng trở nên phức tạp hơn với sự tham gia của phiến quân Houthi ở Yemen, lực lượng đã mở rộng xung đột sang Hồng Hải bằng các cuộc tấn công ở đó. Israel và Hoa Kỳ đã và đang nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột này lan rộng ra thành một cuộc chiến tranh Trung Đông rộng lớn hơn.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã gia tăng mạnh mẽ, với việc Bắc Hàn chính thức từ bỏ thống nhất hòa bình như một mục tiêu chính sách hôm 16/01 và tuyên bố Nam Hàn là quốc gia thù địch. Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol đã ban hành chỉ thị mạnh mẽ cho quân đội biên giới, nhấn mạnh việc đáp trả ngay lập tức trong trường hợp có hành động khiêu khích.

Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị đáng kể nhất là giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Hoa Kỳ ở khu vực Eo biển Đài Loan và Biển Đông. Những sự kiện đáng chú ý xảy ra hôm 05/03 đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của tình hình: việc ĐCSTQ bỏ sót cụm từ “thống nhất hòa bình” với Đài Loan trong một báo cáo quan trọng, việc tàu USS John Finn đi qua Eo biển Đài Loan, và các cuộc chạm trán gay gắt giữa các tàu tuần duyên Philippines và tàu Hải cảnh của ĐCSTQ ở Biển Đông. Căng thẳng ở Philippines nhấn mạnh sự cần thiết của việc có những khẳng định rõ ràng vào năm ngoái về củng cố hiệp ước phòng thủ chung lâu đời giữa Philippines và Hoa Kỳ.

Những diễn tiến này ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ, được củng cố bằng việc khai triển năm hàng không mẫu hạm Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, phản ánh những rạn nứt địa chính trị ngày càng sâu sắc, với những tác động đáng kể đến sự ổn định và sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.

Sự phân cực toàn cầu và sự hình thành các liên minh mới

Những xung đột địa chính trị nói trên không phải là những sự việc diễn ra một cách riêng lẻ: chúng có sự đan xen sâu sắc, báo hiệu một xu hướng đáng báo động về sự phân cực toàn cầu. Mối liên kết giữa Nga, lực lượng Hamas (do Iran hậu thuẫn), Bắc Hàn, và ĐCSTQ đã được phương Tây nhận định là “trục ma quỷ”, một thuật ngữ phản ánh mối lo ngại sâu sắc về các hành động và ý định tập thể của các bên trong liên kết đó.

Dẫn đầu liên minh này không phải là Nga, mà là ĐCSTQ, do năng lực của Nga đã bị suy giảm đáng kể vì cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặc biệt thừa nhận rằng lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo chủ chốt trên toàn cầu, nhấn mạnh sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong liên minh này.

Nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình được đánh dấu bằng cam kết mạnh mẽ đối với các lý tưởng cộng sản, với những tuyên bố táo bạo về “Đông thăng và Tây giáng” tóm gọn tầm nhìn của ông về việc ĐCSTQ vượt qua nền văn minh phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo. Thông qua các sáng kiến ​​như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc, ông Tập tìm cách thiết lập một phạm vi ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị mang tính thống trị.

Tham vọng này đã được phân tích một cách chuyên sâu trong ấn phẩm đặc biệt của The Epoch Times “Bóng ma của Chủ nghĩa Cộng sản đang Thống trị Thế giới của Chúng ta Như thế nào,” (How the Specter of Communism Is Ruling Our World) trong đó nêu rõ rằng tham vọng của ĐCSTQ đã vượt ra ngoài sự thống trị trong khu vực. Trung Quốc nhắm tới quyền lực tối cao toàn cầu, một đặc điểm nội tại của hệ tư tưởng cộng sản.

Đối lập hoàn toàn với “trục ma quỷ” này là toàn bộ thế giới tự do, dẫn đầu là Hoa Kỳ. Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) đã nhắc lại quan điểm này, gọi liên minh của ĐCSTQ, Nga, Bắc Hàn, và Iran là “trục ma quỷ” thời nay, gây ra mối đe dọa đáng kể cho hòa bình và an ninh toàn cầu.

Nhận xét của ông McConnell đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa toàn cầu hiện nay, được cho là vượt xa những mối đe dọa mà ông được chứng kiến ​​trong suốt sự nghiệp phục vụ công chúng lâu dài của mình. Hồi tháng Mười năm ngoái, ông đã nói với Fox News rằng: “Theo nhiều cách, thế giới ngày nay đang gặp nguy hiểm hơn so với thời của tôi.”

Phản ứng của thế giới tự do trước những mối hiểm họa đang nổi lên này đang đạt được động lực. Việc Nga xâm lược Ukraine đã xúc tác cho nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan, với tư cách thành viên của Phần Lan được xác nhận vào tháng Tư năm ngoái và Thụy Điển chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 32 trong một buổi lễ được tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn hôm 07/03. Thay đổi này xảy ra do mối lo ngại ngày càng tăng về hành động xâm lược của Nga thúc đẩy, đánh dấu sự xê dịch mang tính lịch sử khỏi chính sách trung lập lâu năm của Thụy Điển.

Nhà bình luận chính trị Thạch Sơn (Shi Shan) nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ: “Ngày nay, thế giới ngày càng có xu hướng phân cực thành hai phe, không còn không gian cho phe trung lập nữa. Đặc biệt đối với những nước có vị trí chiến lược quan trọng, trạng thái ‘đặt chân trên hai chiếc thuyền’ là không thể kéo dài lâu thêm nữa.” Chuyên gia về Trung Quốc này nhấn mạnh rằng trong tình hình toàn cầu căng thẳng, “nhiều quốc gia trung lập sẽ phải chọn bên, và tất cả các quốc gia trung lập có thể đều sẽ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan này.”

Ngân hàng trung ương Trung Quốc tăng cường dự trữ vàng

Ngân hàng trung ương của ĐCSTQ đã tăng mua vàng một cách rõ rệt, như số liệu chính thức cho thấy hôm 07/03. Đến cuối tháng Hai, dự trữ vàng của ngân hàng này đã tăng lên 72.58 triệu troy ounce, tương đương với khoảng 2,257 tấn, đánh dấu sự gia tăng liên tục trong hơn 16 tháng liên tiếp. Xu hướng này cho thấy hoạt động thu mua tích cực của ngân hàng trung ương này là một yếu tố quan trọng đằng sau sự tăng vọt của giá vàng trong giai đoạn này.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã nổi lên như là ngân hàng trung ương có lượng mua vàng lớn nhất thế giới trong năm 2023, khi tăng lượng vàng dự trữ của họ lên thêm 225 tấn. Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới, sự gia tăng mạnh mẽ này thể hiện mức tăng dự trữ vàng hàng năm lớn nhất của Trung Quốc kể từ năm 1977.

Nhân vật truyền thông Đường Hạo (Tang Hao) nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng việc ĐCSTQ tích cực tích trữ vàng có thể là một biện pháp phủ đầu trước các cuộc giao chiến quân sự tiềm năng ở Eo biển Đài Loan.

Ông cho rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc có thể phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt quốc tế tương tự như những biện pháp được áp đặt lên Nga, có khả năng khiến đồng nhân dân tệ bị giảm giá. Do đó, tích lũy vàng có thể là một hành động chiến lược để phòng vệ trước những hậu quả tài chính như thế và để duy trì sự ổn định kinh tế của Trung Quốc trong bối cảnh những thách thức kinh tế đang diễn ra.

Viễn cảnh hành động quân sự của ĐCSTQ ở Eo biển Đài Loan làm dấy lên những lo ngại đáng kể trong cộng đồng quốc tế. Tổng thống Joe Biden đã liên tục cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Đài Loan trước bất kỳ hành động gây hấn nào của Trung Quốc, nêu bật cam kết chiến lược và đạo đức của Hoa Kỳ đối với khu vực Eo biển Đài Loan.

Đồng USD, tuy được sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự toàn diện của Hoa Kỳ bảo đảm, nhưng phải đối mặt với những thách thức từ “trục ma quỷ” khi các cuộc xung đột trên toàn cầu đang thử thách khả năng tham gia vào nhiều cuộc xung đột của Hoa Kỳ.

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã có một đợt mua vàng đáng chú ý trong hai năm qua, với lượng mua vào năm 2023 đạt 1,037 tấn. Năm trước đó chứng kiến ​​con số thậm chí còn cao hơn, khi mức tổng mua vào trong năm là cao nhất kể từ năm 1950, đánh dấu một xu hướng đáng kể trong việc thu mua vàng, nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trung ương trong việc thúc đẩy nhu cầu vàng.

Ở Trung Quốc, sự quan tâm của công chúng đối với vàng như một công cụ phòng hộ là đặc biệt rõ ràng. Với giá vàng ngày càng tăng, mức tiêu thụ trang sức vàng ở Trung Quốc tăng vọt lên 630 tấn trong năm 2023, tăng 10% so với năm 2022, chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu và bảo đảm vị thế của Trung Quốc trong vai trò là nước tiêu dùng hàng đầu trên toàn thế giới.

Việc Hệ thống Dự trữ Liên bang dự kiến ​​cắt giảm lãi suất đối với đồng USD vào cuối năm nay cũng được xem là một yếu tố góp phần khiến giá vàng tăng cao, phản ánh các chiến lược kinh tế rộng lớn hơn và những lo ngại trong bối cảnh những bất ổn tài chính toàn cầu.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét