Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Chính Sách Xanh Đang Đè Bẹp Nền Kinh Tế Đức

 

Một máy kéo treo biểu ngữ có nội dung “Người khác thì các vị đi nuôi dưỡng, còn chúng tôi thì các vị muốn đuổi đi,” trong bối cảnh nông dân Đức biểu tình phản đối việc cắt giảm trợ cấp thuế phương tiện của cái gọi là chính phủ liên minh Đèn giao thông của Đức ở Berlin, Đức, hôm 08/01/2024. (Ảnh: Nadja Wohlleben/Reuters)

Bài học cho Mỹ: CHÍNH SÁCH XANH ĐANG ĐÈ BẸP NỀN KINH TẾ ĐỨC 
Vân Du biên dịch

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức đã giảm kể từ quý 3 năm 2022, gây ra những lo ngại về cuộc suy thoái kéo dài 2 năm đầu tiên kể từ đầu những năm 2000. Nông dân Đức đang công khai phản đối các quy định mới về khí hậu làm tăng giá nhiên liệu diesel, loại nhiên liệu quan trọng đối với máy kéo và máy móc nông nghiệp. Công chúng cũng có nỗi bất mãn tương tự, họ phản đối chi phí năng lượng cao hơn đang kéo nền kinh tế Đức đi xuống. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy dư luận đã chuyển biến đáng kể theo hướng ngày càng phản đối chính phủ liên minh hơn.

Không giống như Hạ viện hoặc Thượng viện Hoa Kỳ, nơi luôn có một đảng nắm được thế đa số mang tính quyết định, nhiều đảng ở Đức phải thành lập một liên minh để đạt được ngưỡng đa số quá bán cần thiết.

Hiện tại, liên minh này gồm có Đảng Xanh, Đảng Dân Chủ Xã Hội (SPD), và Đảng Dân Chủ Tự Do (FDP). Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tất cả các đảng này có sự ủng hộ thấp hơn nhiều so với kết quả bầu cử năm 2021 của họ, trong khi các đảng nghiêng về cánh hữu hơn, chẳng hạn như Liên minh Dân chủ Cơ Đốc Giáo (CDU) và Giải pháp thay thế cho nước Đức (AfD), đang ngày càng được lòng công chúng hơn.

Sự suy thoái kinh tế gần đây đã dẫn đến nỗi bất mãn chính trị lan rộng, và cốt lõi của sự suy thoái này là chính sách năng lượng tai hại.

Thay vì tập trung vào việc khiến năng lượng có giá phải chăng, chính phủ Đức vẫn tiếp tục cam kết của họ với quá trình “Chuyển đổi Năng lượng” — hay “Energiewende” trong tiếng Đức — một dự án của chính phủ nhằm chuyển đổi hoàn toàn từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo như quang năng và phong năng. Một trong những mục tiêu đã nêu của dự án này là tăng tỷ lệ sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030 và 100% vào năm 2035. Mục tiêu cuối cùng là đạt được mức phát thải carbon bằng không vào năm 2045.

Việc Đức đóng cửa các nhà máy hạt nhân hồi tháng 04/2023 đã khiến việc đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng không trở nên khó khăn hơn đáng kể, bởi trên thực tế thì năng lượng hạt nhân có khả năng tạo ra một lượng đáng kể điện không phát thải carbon. Những người dân bình thường có thể thấy rõ hậu quả kinh tế của những quyết định này, họ cảm nhận được điều đó mỗi tháng khi thanh toán hóa đơn năng lượng của mình.

Theo dữ liệu gần đây nhất do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức công bố, người tiêu dùng Đức đang phải trả tiền điện trung bình 46 cent cho mỗi kilowatt giờ (kWh). Để so sánh, giá điện trung bình ở Hoa Kỳ trong tháng Mười Hai chỉ là dưới 13 cent/kWh.

Sự chênh lệch về giá cả cũng có thể thấy được trong giá xăng. Tại trạm bơm nhiên liệu, người tiêu dùng Đức phải trả mức giá trung bình là 7.23 USD/gallon, so với 3.33 USD ở Mỹ.

Những chi phí năng lượng cao này đang khiến các khía cạnh khác của nền kinh tế bị chậm lại, dẫn đến tổn thất đáng kể đến sức mua của người tiêu dùng, và đe dọa làm hoạt động sản xuất của nhiều công ty không có lãi. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và nông dân, những người dựa vào điện và phân bón để vận hành, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt tăng giá gần đây.

Hơn nữa, sự suy thoái trong thương mại toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế lấy xuất cảng làm trung tâm của Đức, khiến tình trạng suy thoái kinh tế nói chung càng thêm nghiêm trọng. Thật không may cho người Đức, những dự báo kinh tế gần đây cũng không mang lại nhiều hy vọng. Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 0.2% vào năm 2024.

Các công ty lớn của Đức đã chú ý và có hành động tương ứng. Khoảng 67% các công ty Đức đã chuyển ít nhất một số hoạt động ra ngoại quốc, với những lý do chính khiến họ rời đi là giá năng lượng và lạm phát cao. Quá trình phi công nghiệp hóa trên diện rộng này đã đặc biệt lan rộng đối với các ngành cơ khí, hàng công nghiệp, và xe hơi  xương sống của nền kinh tế Đức.

Tình hình chạm đến điểm tới hạn hồi tháng Hai, khi nhà sản xuất máy rửa chén nổi tiếng thuộc sở hữu gia đình Miele tuyên bố sẽ cắt giảm hàng ngàn việc làm và chuyển sản xuất sang Ba Lan. Nhà sản xuất xe hơi hạng sang Porsche ban đầu đã dự định xây dựng một nhà máy sản xuất pin xe hơi mới trong nước, nhưng rồi sau đó lại chuyển hướng khi công bố kế hoạch đề nghị mở nhà máy ở Mỹ. Cả việc thiếu khuyết đầu tư trong tương lai và xu hướng phi công nghiệp hóa đã đều tạo ra hiệu ứng quả cầu tuyết, khiến tình hình trở nên tệ hại hơn.

Sự bất mãn lan rộng đối với các chính sách xanh của Đức là một bài học cho Mỹ. Trọng tâm của vấn đề là việc Đức không cho phép ngành năng lượng tạo ra nguồn năng lượng có giá cả phải chăng cho người dân. Trong nhiều năm, nghị trình năng lượng xanh phản kinh doanh này đã làm giảm lượng khí thải carbon nhưng lại làm gia tăng khủng hoảng kinh tế. Kinh nghiệm của Đức cho thấy Mỹ cần một chính sách năng lượng hợp lý chứ không phải các mục tiêu khí hậu độc đoán mà chính phủ đương nhiệm đang theo đuổi.

Đăng lại dưới sự cho phép của The Daily Signal, một ấn phẩm của Quỹ Di Sản.

Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét