KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU - Thơ: Minh Đức Hoài Trinh - Nhạc: Pham Duy
Tran Nang Phung
https://www.youtube.com/ playlist?list= PLfe9JTtbGcgUMRPi9soep- v5MYVoor4GF
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi……?
(Kiếp Nào Có Yêu Nhau)
- KHÚC TÌNH CA CHỨA ĐẦY NỖI TUYỆT VỌNG CỦA NGƯỜI CON GÁI VỪA BIẾT YÊU QUA NHẠC PHẨM “KIẾP NÀO CÓ YÊU NHAU”
…… Không biết, đã ai từng nghe đến cái tên Minh Đức Hoài Trinh hay chưa? Đây chính là tác giả của hai bài thơ nổi tiếng mà nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ thành tuyệt phẩm âm nhạc bất hủ – “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình”. Mối duyên với Minh Đức Hoài Trinh đã trải gần hết một kiếp người của Phạm Duy, từ thời còn trai trẻ rong ruổi đây đó, đến thời kỳ kháng chiến gian truân hay mùa đông lạnh lẽo và giá rét. Giai đoạn nào cũng được gắn thêm bóng hình của gia nhân…Minh Đức Hoài Trinh là người phụ nữ Việt Nam chuẩn mực, tài giỏi, dù vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại tràn đầy sự tự tin và kiêu hãnh, bà mang theo một ánh mắt sắc lạnh nhưng lại tạo cho người ta cảm giác ánh mắt ấy chất chứa rất nhiều tâm sự. Cuộc đời bà, dường như không được hạnh phúc khi yêu thương tưởng trong tầm tay lại ngờ đâu vụt tắt và thậm chí là mất đi vĩnh viễn.
“Kiếp nào có yêu nhau” là một ca khúc buồn và ẩn sâu trong bài hát chính là một câu chuyện tình khiến người nghe day dứt cùng xót xa. Minh Đức Hoài Trinh là một cô gái trẻ mộng mơ, ôm mộng trường kỳ cùng kháng chiến, mong chiến tranh sớm ngày chấm dứt để trả lại hòa bình cho non sông Việt Nam. Khi còn hoạt động trong hàng ngũ của quân đội Việt Minh, Hoài Trinh được giao một nhiệm vụ mật là khởi hành về Huế để tiếp cận một chính khách có tiếng thời đó, tên là Phan Văn Giáo (cũng là một dược sĩ và từng giữ chức Phó thủ tướng – Thủ hiến miền Trung dưới thời kỳ Quốc trưởng Bảo Đại). Ban đầu là một nhiệm vụ buộc phải thành công, nhưng không ngờ chính sự tiếp cận ấy lại dẫn đến kết quả là câu chuyện tình yêu sâu sắc nhưng đầy ngang trái của hai con người. Và đau đớn hơn chính là khi tình yêu của họ chỉ mới vừa chớm nở thì vị chính khách ấy lại bị chính đơn vị mà bà đang hoạt động cho người thủ tiêu, sát hại. Ngay thời điểm ấy, bà lại phát hiện ra mình đang mang trong người giọt máu của người thương – kết tinh tình yêu của họ, minh chứng cho đoạn nhân duyên sâu đậm nhưng ngắn ngủi, vừa bất ngờ lại vừa thất vọng tột cùng, mang theo tâm trạng đó mà Minh Đức Hoài Trinh đã sáng tác nên bài thơ “Kiếp nào có yêu nhau”.
Tuy nhiên, khi điều tra về lịch sử thì vị chính khách Phan Văn Giáo lại không hề chết đi mà ông vẫn còn sống, những năm ở thập niên 50 thì cuộc đời ông lại rơi vào thăng trầm, con đường quan chức lại bập bềnh lên xuống. Cứ bổ nhiệm rồi lại bị bãi chức, chức thăng rồi lại cắt liên hồi, đến sau cùng ông quyết định di cư sang Pháp (vào khoảng những năm 1954). Và thời điểm “Kiếp nào có yêu nhau” ra đời (khoảng cuối thập niên 40) thì Minh Đức Hoài Trinh đã nhận định người thương của mình bị ám sát nên từng câu thơ được viết nên là những nỗi u sầu và tuyệt vọng. Còn gì đau hơn khi chỉ vừa biết yêu lại phải đón nhận hung tin người yêu đã chết, như vừa được cấp cho đôi cánh để sải cánh lên thiên đường thì chợt nhận ra đó chỉ là mộng và bản thân như rớt xuống tận cùng của vực sâu vạn trượng.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã dùng chính tài năng của mình để phổ nên những giai điệu tuyệt vời cho ca khúc, “Kiếp nào có yêu nhau” không chỉ để lại ấn tượng bởi lời ca đầy bi thương mà còn lưu dấu bởi giai điệu nồng nàn. Ca khúc tuy có vài điểm khác so với nguyên gốc của lời thơ, nhưng vị “phù thủy âm nhạc” đã tài tình mà giữ nguyên nội dung cũng như sự não nề của toàn câu chuyện.
“Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ…..”
Nguyên gốc của bài thơ là: “Anh đừng nhìn em nữa, hoa xanh đã phai rồi”, được Phạm Duy biến tấu thêm một chút cảm giác ngân dài cho phần mở đầu của bài hát, khắc họa càng chân thực nỗi đau, nỗi day dứt cùng sự tuyệt vọng tận cùng của người thiếu phụ khi đánh mất đi tình yêu, khi vướng vào câu chuyện tình yêu ngang trái. Biết là tình yêu không kết quả, nhưng vẫn không ngăn được con tim đang lỗi nhịp, dẫu biết sẽ chia xa nhưng không ngờ thời khắc ấy lại đến nhanh như vậy mà còn trớ trêu và đầy đau đớn.
Người thiếu phụ ấy dường như đã chẳng còn tỉnh táo, nàng đắm chìm trong cơn mê sảng do chính bản thân tạo ra vì muốn vùi lấp được phần nào nỗi đau, muốn xoa dịu đôi chút sự tuyệt vọng. Đôi mắt người thương, đôi mắt cả đời này nàng không thể nào quên được, nó ám ảnh cuộc đời nàng, nó đeo bám nàng suốt kiếp. Nhưng giờ phút này, nàng lại không thể nào nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, không thể nào đối diện với đôi mắt mình yêu nên chỉ đành “đừng nhìn em nữa anh ơi”. Nó như một lời cầu xin, một lời than khóc để ánh mắt ấy đừng chiếu vào mình dù có mang theo bất kỳ cảm xúc nào – là yêu thương, là oán trách hay là hận thù…. ”Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi”, mọi thứ đã kết thúc, mọi mộng mơ về một tương lai, một mái ấm đều tan như cánh hoa kia còn xanh mà cũng lụi. Chẳng cần nhìn vào ánh mắt của chàng, chẳng cần nghĩ suy, lòng nàng cũng đủ khổ sở và đủ bi thương. “Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười” – Mắt đã cạn lệ, môi cũng quên cách nở nụ cười, trái tim chẳng còn biết thế nào là rung động và yêu thương. Có lẽ, với nàng, cuộc đời này đã chẳng còn bao nhiêu ý nghĩa, phôi pha cả một đời hoa rồi, yêu thương đã dành trọn hết cho một người và cũng mất theo người đó rồi.
Có lẽ là mất ngủ, cũng có thể là không hề chợp mắt nên nàng đã dần không còn mơ thấy ánh mắt ấy – ánh mắt chứa đầy tình yêu, ánh mắt yêu và được yêu. “Hẳn người thôi đã quên ta”, đây phải chăng là lý do khiến cho nàng thiếu phụ không còn bị ám ảnh, vì người đã đi rất xa, chẳng còn quay đầu nhìn lại nữa, nên chẳng còn ánh nhìn nào gửi gắm cho nàng. Và trong những giấc chiêm bao, nàng cũng chẳng còn nhìn thấy người thương quay lại tìm nên nàng đã bật thốt nên những câu nói ê chề: “Hẳn người thôi đã quên ta, trăng Thu gẫy đôi bờ, chim bay xứ xa mờ” và “hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ”. Không biết nên cảm thấy may mắn vì cuối cùng nàng đã lại có cuộc sống bình thường không còn mộng mị, hay tiếc thương cho nàng vì chẳng còn được gặp người thường dù chỉ là trong giấc mơ ngắn ngủi….
“….Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?….”
“Kiếp nào có yêu nhau” nó giống như một câu hỏi nhưng tại sao lại chẳng có được câu trả lời, khi nghe lại khiến người ta cảm thấy da diết bởi nó được thêm chút sự ai oán về duyên kiếp của người thiếu phụ. Sự sầu muộn cùng bi thương đã được lột tả một cách trọn vẹn qua từng lời ca và giai điệu khi nàng chỉ có một nguyện ước nhỏ nhoi: Xin tìm gặp người thương ở kiếp mai, tìm mãi đến khi gặp được để viết tiếp câu chuyện tình còn dang dở, để hoa xanh kiếp này chưa nở có thể rực rỡ ở kiếp sau.
Tình cảm của đôi trẻ ở kiếp này vốn là một mối tình xanh, bởi nó chỉ là những búp măng non chưa có cơ hội chớm nở thì đã bị lụi tàn bởi số phận. Tình còn xanh là tình còn nhiều e ấp, tình không nhuốm ưu sầu, chưa nồng đượm thì sẽ không lo mất đi, mà chỉ cần sự nồng nhiệt để bồi đắp. Nàng mong sau ở kiếp tới, đôi tình lữ sẽ có được một cuộc sống bình thường, sẽ có được một con đường bình lặng và tận hưởng trọn vẹn câu chuyện tình ngọt ngào không ưu tư, dịu nhẹ và đằm thắm chứ không nhiều đau đớn cùng thăng trầm. Bởi, ở kiếp này, nàng đã nếm trải quá đủ rồi, tim nàng đã mất cảm giác rồi.
“Anh đâu anh đâu rồi?”, câu hát này được lặp lại tạo nên một cảm giác não nề, giai điệu ca khúc lại đột nhiên đạt cao trào như thể hiện sự thảng thốt của người thiếu phụ. Nàng nhận ra bản thân không còn tìm thấy người yêu nữa, không còn nhìn thấy anh xuất hiện trước mặt mình như ngày nào….anh đã thật sự ra đi, mãi mãi….chẳng bao giờ quay trở lại nữa, chỉ còn một mình nàng nơi đó ôm hoài suy nghĩ và hình bóng về chàng.
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi!”
Nàng sợ! Sợ nhìn thấy ánh mắt đầy chia ly, sợ chàng sẽ oán trách nàng vì hai người ban đầu vốn nên ở hai chí tuyến đối lập chứ không phải là yêu thương mặn nồng. Nhưng nàng cũng luyến tiếc, luyến tiếc bản thân không còn được nhìn thấy ánh mắt đó nữa, luyến tiếc dù chỉ là trong mơ cũng chẳng thể gặp người. “Đừng nhìn nhau nữa anh ơi!”, một câu hát nhưng lại mang theo cảm xúc rối bời của nàng, muốn quên nhưng không thể quên, muốn nhớ lại sợ đau khổ, hai thái cực cứ dằn xé con tim của dáng hình bé nhỏ.
Nếu so sánh giữa thơ và nhạc, ta sẽ dễ dàng mà nhận ra “Kiếp nào có yêu nhau” của Minh Đức Hoài Trinh mang theo những dòng thơ đầy ủ rũ, sự day dứt và một con tìm chịu nhiều tổn thương. Còn “Kiếp nào có yêu nhau” của nhạc sĩ Phạm Duy lại được chiếu qua một lăng kính khác, cảm xúc mãnh liệt hơn, dâng trào hơn nhưng ít đi chút bi lụy và sầu thảm – Đây mới đúng là phong cách của Phạm Duy.
*. *. *. *. *
* K I Ế P N À O C Ó Y Ê U. N H A U
– Thơ : M I n h Đ ứ c. H o à i. T r I n h
- Nhạc : P h ạ m. D u y
* LỜI. NHẠC
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười.
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gẫy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa… anh ơi!
TRAN NANG PHUNG
http://www.youtube.com/user/Kính mới quý vị thưởng thức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét