Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Bắc Hàn Ngày Càng Khẳng Định Vai Trò Chiến Lược Đối Với Tham Vọng Bành Trướng Của Trung Quốc

 

Một bức ảnh do chính quyền Bắc Hàn cung cấp cho thấy những gì họ nói về chuyến bay thử nghiệm của một loại vũ khí tầm trung đời mới sử dụng nhiên liệu rắn ở Bắc Hàn vào ngày 14/01/2024. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Bắc Hàn/Dịch vụ Tin tức Bắc Hàn qua AP)

BẮC HÀN NGÀY CÀNG KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ CHIẾN LƯỢC ĐỐI VỚI THAM VỌNG BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC
Epoch Times Tiếng Việt

Trong hai năm qua, Bắc Hàn đã tiến hành nhiều vụ thử phi đạn và hỏa tiễn, tìm cách cải thiện hơn nữa tầm bắn hay phạm vi hoạt động của các loại vũ khí hạt nhân còn hạn chế của họ. Đầu năm nay, lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un đã thay đổi hiến pháp và từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình với Nam Hàn. Những hành động hung hăng như vậy đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Một trục ma quỷ mới

Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbin), cựu trưởng khoa luật tại Đại học Bắc Kinh và là nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ​​​​nổi tiếng sinh sống tại Úc, đã trò chuyện trên chương trình Hoa ngữ “Diễn đàn Tinh anh” của đài truyền hình NTD rằng trong suốt Đệ nhị Thế chiến, Đảng Cộng sản Triều Tiên về căn bản là một nhánh con của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chỉ sau trận chiến đó, khi Liên Xô can thiệp bằng vũ lực, Đảng Cộng sản Triều Tiên mới giành được một số quyền tự chủ.

Ông giải thích rằng ĐCSTQ đã giúp xây dựng quân đội Bắc Hàn dưới thời cựu độc tài Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), qua đó cung cấp cho ông Kim Nhật Thành khả năng quân sự để xâm lược Nam Hàn. Ông Vương nói: “Vì vậy, Bắc Hàn là một chế độ cộng sản tà ác do Liên Xô cũ và ĐCSTQ cùng nhau dung dưỡng mà thành.”

Ông Vương tin rằng Bắc Hàn, dù xét về mặt kinh tế hay thậm chí là năng lực hạt nhân, đều không đủ khả năng gây ra thảm họa trên quy mô quốc tế. Bản thân Bắc Hàn cũng không đủ khả năng công nghệ và kinh tế để phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn. Vì vậy, những công nghệ đó phải được nhập cảng và Trung Quốc là nhà cung cấp chính. Không có ĐCSTQ, chế độ Bắc Hàn không thể tự mình trở thành mối đe dọa trong khu vực.

“Để hiểu được mối liên hệ hiện tại giữa ĐCSTQ và Bắc Hàn, gồm cả những căng thẳng giữa Bắc Hàn và Nam Hàn, người ta phải đứng trên bình diện quốc tế rộng lớn hơn mà nhìn nhận vấn đề,” ông nói. “Tầm nhìn rộng lớn hơn này chính là việc ông Tập Cận Bình đang muốn thực hiện một bước quan trọng hướng tới sự bành trướng toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản thông qua việc phát động cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan. Trên bình diện quốc tế, một trục ma quỷ của thế kỷ 21 gồm chế độ Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, Iran và một số nhóm Hồi giáo chống Mỹ đang hình thành. Sự thay đổi đột ngột gần đây trong thái độ của Bắc Hàn đối với Nam Hàn về căn bản là do Bắc Hàn hiện đang đặt mình vào phạm vi chiến lược của cuộc chiến [chống lại Đài Loan] của ĐCSTQ.”

Nếu ĐCSTQ phát động một cuộc chiến tranh tổng lực ở Eo biển Đài Loan, chức năng chính của Bắc Hàn sẽ là ngăn cản quân lực của Hoa Kỳ ở Nam Hàn và Nhật Bản, đồng thời ngăn không cho Nhật Bản hành động. Vì vậy, Bắc Hàn có thể đóng vai trò là ‘con tốt’ của ĐCSTQ trong một cuộc xung đột tiềm tàng như vậy trong tương lai.

Liên minh quân sự Hoa Kỳ-Nhật Bản-Nam Hàn

Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times, giải thích trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” rằng bối cảnh địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên đã có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt là sau Chiến tranh Lạnh.

Về mặt địa chính trị, Nam Hàn luôn nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn của Hoa Kỳ, còn Liên Xô và Trung Quốc lại ủng hộ Bắc Hàn ngay từ đầu. Sau khi Liên Xô sụp đổ, sự ủng hộ của Trung Quốc cũng dần vơi bớt. Theo bà Quách, điều này sau đó dẫn đến việc Bắc Hàn phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa, vốn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình trong khu vực.

Bà Quách giải thích thêm rằng gần đây, Nga đang tìm cách củng cố liên minh với Bắc Hàn do Chiến tranh Nga-Ukraine cũng như mối quan hệ căng thẳng của nước này với Hoa Kỳ. Tương tự, căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ một lần nữa khiến Trung Quốc phải sử dụng Bắc Hàn làm đòn bẩy.

“Tình hình ở Đông Bắc Á hiện nay rất rõ ràng với hai phe [đối lập],” Bà Quách cho biết. “Bên phía Hoa Kỳ là Nhật Bản và Nam Hàn, bên phía Trung Quốc là Nga và Bắc Hàn. Vì vậy, Bán đảo Triều Tiên là điểm xung đột trực tiếp. Hiện tại, Hoa Kỳ đang thúc đẩy hợp tác quân sự toàn diện giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Nam Hàn, với mục tiêu chính là Trung Quốc chứ không phải Bắc Hàn.”

Theo tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND Corporation của Mỹ, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, quân đội Hoa Kỳ có thể tiến hành các cuộc không kích bất ngờ vào các trung tâm công nghiệp ở miền bắc Trung Quốc bằng cách sử dụng chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đóng tại Nam Hàn và Nhật Bản. Do đó, sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Nam Hàn tạo ra sự răn đe đáng kể đối với nghị trình bành trướng của ĐCSTQ.

Mối đe dọa hạt nhân từ Vương quốc Ẩn sĩ

Ông Lý Quân (Lee Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập của Trung Quốc, chia sẻ trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” rằng tình hình hiện tại giống với điều Tổng thống Nam Hàn Yoon Suk Yeol mô tả. Để hiểu rõ bản chất của mối đe dọa từ Bắc Hàn đòi hỏi phải kết hợp cả phân tích hợp lý lẫn phân tích phi lý. Nhìn từ góc độ hợp lý, Bắc Hàn khó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bắt đầu chiến tranh vì nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, Hoa Kỳ sẽ đáp trả, kết cục là chế độ cộng sản này sẽ sụp đổ.

Tuy nhiên, cũng có một cách nhìn nhận theo một góc độ bất hợp lý. Khi một nhà độc tài như Kim Jong Un đạt đến một mức độ quyền lực nhất định, quá trình tư duy của ông ta sẽ trở nên khó lường. Vũ khí thông thường của Bắc Hàn là chưa đủ, nhưng một khi nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, thảm họa sẽ không chỉ giới hạn ở Bán đảo Triều Tiên mà sẽ ảnh hưởng đến khu vực rộng lớn hơn. Vì vậy, ông Yoon hiểu rất rõ rằng chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.

“Ngay cả khi chiến tranh hạt nhân không xảy ra, vẫn có thể có những thay đổi [chính sách] đáng kể ở Nam Hàn nếu căng thẳng hiện tại tiếp tục,” ông Lý cho biết. “Năm ngoái, ông Yoon Suk Yeol tuyên bố rằng nếu Bắc Hàn tiếp tục gây ra mối đe dọa, thì Nam Hàn có thể cần phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.”

Các cuộc thăm dò thường xuyên vào năm ngoái cho thấy đại đa số từ 70 đến 80% người Nam Hàn ủng hộ việc quốc gia của họ phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc đang thúc giục Hoa Kỳ khai triển trở lại những loại vũ khí hạt nhân mà nước này đã rút khỏi Nam Hàn vào những năm 1990.

Một số tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng đã phân tích liệu Hoa Kỳ có thể trợ giúp Nam Hàn ngay lập tức nếu Bắc Hàn tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân hay không.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), cây viết kỳ cựu và là cộng tác viên cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cho biết trong chương trình rằng Hoa Kỳ ước tính bom nguyên tử của Bắc Hàn có sức công phá gần tương đương 20,000 tấn TNT, tương tự như quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima. Tuy nhiên, bom nguyên tử là một loại vũ khí răn đe. Nếu Bắc Hàn sử dụng loại bom này, bất kể nó có phát nổ hay không, hoặc khi Hoa Kỳ cảm thấy rằng Bắc Hàn thực sự sắp sử dụng đến loại vũ khí này, thì Bắc Hàn, với tư cách là một quốc gia độc lập, sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ thế giới.

“Kho vũ khí hạt nhân hiện tại của Hoa Kỳ, đặc biệt là đầu đạn trên hỏa tiễn Trident, là vô cùng đáng sợ, và sự đáp trả mà họ có thể tung ra cũng rất đáng sợ,” ông cho hay. “Vì vậy, chúng không thể được sử dụng làm vũ khí chiến thuật mà chỉ có tác dụng răn đe chiến lược trên phương diện đó.”

Ông Thạch cũng giải thích ý định của tổng thống Nam Hàn khi thảo luận về việc phân tích Bắc Hàn theo góc độ phi lý. Ông cho biết, “Đối với một số nhà độc tài, nếu họ không thể tồn tại, nếu đất nước của họ không có lý do để tồn tại, và nếu họ mất đi quyền lực, thì họ cũng thấy rằng thế giới này chẳng có lý do gì để tồn tại. Đây là thế giới quan của họ, và đây là điều chúng tôi cho là bất hợp lý. Tuy nhiên, điều này có thể hoàn toàn hợp lý đối với chính những kẻ độc tài vì đây là cách họ nhìn thế giới.”

Theo ông Thạch, tuy Bắc Hàn có thể không có vai trò đáng kể trong việc tác động đến thế giới nhưng họ lại có thể đóng nhiều vai trò bất ngờ ở Đông Á, đặc biệt là trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Bản tin có sự đóng góp của Michael Zhuang

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét