Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2024

Di Dân Trung Quốc Tràn Vào Mỹ Ngày Càng Đông Qua Biên Giới Miền Nam

 

Phố Tàu ở New York City (Hình: Jona Jona/Pexels)

DI DÂN TRUNG QUỐC TRÀN VÀO MỸ NGÀY CÀNG ĐÔNG QUA BIÊN GIỚI MIỀN NAM
Người Việt 

NEW YORK (NV) – Thời điểm xe buýt chở di dân từ Venezuela và người từ Trung Nam Mỹ bắt đầu xuất hiện trên đường phố New York City vào năm 2022, đây là bước ngoặt gây ra cuộc khủng hoảng đè lên các nơi trú ẩn trong thành phố và khơi mào cho các cuộc biểu tình phản đối chính sách nhập cư, phóng sự do The New York Times ghi nhận.

Và trong lúc Thị Trưởng Eric Adams và các nhà lãnh đạo thành phố đang tìm cách làm chững lại làn sóng di dân, thì lại có một nhóm di dân khác, ít hơn nhưng cũng đang tràn vào thành phố – nhóm này phần lớn không bị để ý.

Hàng ngàn di dân Trung Quốc cũng có mặt ở New York, trong đó có nhiều người nối gót di dân từ Trung và Nam Mỹ rồi băng qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Tuy nhiên, khi tới New York City, nhiều người đang tận dụng mạng lưới xã hội và gia đình lâu đời ở các nơi có dân Trung Quốc sinh sống từ trước để nhanh chóng hòa nhập, và phần lớn, đều là tự lực cánh sinh.

Người ta không biết chính xác có bao nhiêu di dân Trung Quốc đã tới New York. Nhưng hồ sơ trong tòa án nhập cư tính từ Tháng Mười 2022 cho thấy tiểu bang New York là điểm đến hàng đầu của họ – với hơn 21,000 hồ sơ cho là di dân Trung Quốc – tiếp theo là California, theo phân tích của Julia Gelatt, phó giám đốc tại Viện Chính Sách Nhập Cư.

Làn sóng di dân Trung Quốc hiện tại đi vào thành phố là lớn nhất trong hơn một thập niên và đánh dấu sự trở lại của làn sóng nhập cư quy mô lớn từ dân Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980, giúp hồi sinh các khu dân cư đang gặp khó khăn như Phố Tàu và củng cố các thành trì dân tộc mới hơn ở Flushing, Queens, và công viên Sunset Park, Brooklyn.

Tuy nhiên, sự hồi sinh của làn sóng di dân Trung Quốc này cũng không thu hút quá nhiều sự chú ý, một phần vì nó bị lấn át bởi số lượng di dân gốc Mỹ Latin. Tuy nhiên, sự gia tăng nhanh chóng của di dân Trung Quốc mới đến hứa hẹn sẽ tác động đáng kể tới New York City và cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đông đúc với 590,000 người, là cộng đồng lớn nhất Hoa Kỳ.

Sự gia tăng gần đây nhất về số lượng di dân Trung Quốc một phần là do sự thất vọng về các biện pháp phong tỏa ngặt nghèo trong thời kỳ đại dịch Covid-19 của Trung Quốc, cùng với một chính phủ độc tài và nền kinh tế đang ngày càng trì trệ. Hàng loạt bài viết trực tuyến và trên mạng xã hội đưa ra hướng dẫn cụ thể và lời khuyên về cách vượt qua biên giới miền Nam.

Trên khắp nước Mỹ, số lượng di dân Trung Quốc tăng vọt. Có 52,700 di dân Trung Quốc tới New York mà không có thị thực nhập cảnh hợp lệ ở biên giới đất liền, trên thuyền và phi cơ trong năm tài khóa 2023 của chính phủ liên bang, hoặc nhiều hơn gấp đôi con số chỉ mới hai năm trước đó, theo phân tích của bà Gelatt, thuộc Viện Chính Sách Nhập Cư. Số liệu này không tính cả những người đặt chân tới mà không giáp mặt viên chức biên giới hoặc sau đó lưu trú quá hạn thị thực.

Các di dân Trung Quốc vượt qua biên giới miền Nam ngày càng đông đúc, với số lượng mà các viên chức biên giới ở đó gặp phải tăng hơn sáu lần, lên 5,980 người vào Tháng Mười Hai 2023 từ 950 người một năm trước đó.

Tuy nhiên, họ chỉ là một nhóm nhỏ trong số 3.4 triệu di dân vượt biên giới phía Nam từ Tháng Mười 2022, trong đó có hơn 974,000 người Mexico và hơn 410,000 người Venezuela.

Wang Chao, 39 tuổi, từng làm nhân viên bảo vệ khách sạn ở tỉnh Hải Nam, một hòn đảo trên Biển Đông, trước khi rời Trung Quốc vào Tháng Mười năm ngoái. Ông bay tới Thái Lan, rồi tới Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi hạ cánh xuống Ecuador và bắt đầu hành trình dài đằng đẵng về phương Bắc. Ông bị sốt xuất huyết và sốt rét trong rừng nhiệt đới ở Panama và sau đó bị đuổi khỏi một chiếc xe vận tải chở di dân ở Guatemala vì tài xế nghĩ rằng có ai đó chửi bới ông ta bằng tiếng Hoa.

Cuối cùng, ông Wang vượt biên qua California, nơi ông cho biết ông bị giới chức biên giới giam giữ trong một thời gian ngắn. Khi được trả tự do, ông tiếp tục tới Flushing, và có mặt tại đó vào Tháng Mười Hai. Wang trả $12 một đêm cho một cái giường tầng trong căn chung cư ở chung với dân nhập cư Trung Quốc khác trước khi rời khỏi tiểu bang để làm việc.

Di dân Trung Quốc phần lớn tránh xa những nơi trú ẩn ở New York City. Chưa tới 400 trong số hơn 173,000 di dân vượt qua hệ thống tạm trú của thành phố tính từ mùa Xuân năm 2022 cho biết họ xuất thân từ Trung Quốc, theo giới chức thành phố.

Ngày nay, hệ thống hỗ trợ Trung Quốc dù không chính thức nhưng phát triển tốt ở New York lại trở thành “điểm đến đầu tiên” cho làn sóng di dân gần đây, Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang John C. Liu quản lý khu dân cư, trong đó có Flushing, cho biết.

Hiện nay, di dân Trung Quốc giúp bổ túc dân số cho thành phố sau những tổn thất trong đại dịch Covid-19, đồng thời lấp đầy các công việc xây cất, nhà hàng và dịch vụ khác nhằm duy trì nền kinh tế địa phương.

Nhưng ngay cả khi di dân đã đi vào định cư, số lượng ngày càng tăng của họ cũng tạo ra những thách thức trong cộng đồng dân nhập cư, nơi nhiều người đang phải đấu tranh với tình trạng bất ổn tài chánh và sự cô lập xã hội vì rào cản tiếng nói và văn hóa, cũng như lo ngại về sự an toàn của họ sau hàng loạt tội ác căm thù bài Á Châu xảy ra tới tấp.

Có 1.2 triệu dân gốc Á ở New York, chiếm khoảng 15% tổng dân số thành phố, theo một phân tích thống kê dân số của Social Explorer, công ty nghiên cứu dữ liệu. Trong nhóm đa sắc tộc này – đại diện cho hàng chục dân tộc, gồm có Nam Hàn, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và Bangladesh – có sự bất bình đẳng đáng kể về kinh tế xã hội.

Năm 2022, dân nhập cư Trung Quốc có lợi tức gia đình trung bình là $60,454, bằng khoảng một nửa so với dân Trung Quốc sinh ra tại Hoa Kỳ, những người có khuynh hướng có trình độ học vấn cao hơn và kiếm nhiều tiền hơn. Trên toàn thành phố, lợi tức trung bình của gia đình là $75,046.

Các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á cho biết cộng đồng của họ từ lâu không được tài trợ đầy đủ từ các chương trình của chính phủ, một phần là do định kiến dai dẳng về người thiểu số, coi dân Á Châu là giỏi lao động, biết tự lập để tiến thân. Phúc trình năm 2015 cho thấy các tổ chức phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Á của thành phố nhận được một phần rất nhỏ trong số các hợp đồng dịch vụ xã hội của thành phố. (TTHN)

Người Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét