Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Hoa Kỳ Đang Hướng Tới Nhiều Lạm Phát Hơn Vào Năm 2024?

 

Giá thịt được niêm yết tại một cửa hàng bách hóa ở Upper West Side của New York, vào hôm 12/01/2022. (Ảnh: Timonty A. Clary/AFP qua Getty Images)

HOA KỲ ĐANG HƯỚNG TỚI NHIỀU LẠM PHÁT HƠN VÀO NĂM 2024?
Nhật Thăng biên dịch

Chúng ta đã thấy một loạt tin tức đáng thất vọng về lạm phát trong những ngày qua. Đầu tiên, chúng ta thấy Chỉ số Giá Tiêu dùng tăng 0.4% trong tháng Hai, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ tháng Chín năm ngoái, dẫn đến tỷ lệ lạm phát hàng năm chung ở mức cao hơn dự kiến 3.2%. Chi phí nhà ở và xăng dầu, hai trong số những hạng mục quan trọng nhất đối với các gia đình, đã đóng góp phần lớn (60%) vào nguyên nhân tăng giá trong tháng Hai. Đồng thời, Chỉ số Giá Sản xuất (PPI) cho nhu cầu cuối cùng đã tăng 0.6% trong tháng, mức tăng hàng tháng cao nhất kể từ mùa hè năm ngoái, và góp phần vào tỷ lệ tăng hàng năm cao nhất kể từ tháng Chín năm ngoái. Giá nhập cảng hiện đã tăng hai tháng liên tiếp, mức tăng hàng tháng liên tiếp đầu tiên kể từ mùa hè năm 2023. Cuối cùng, giá dầu toàn cầu, một yếu tố đầu vào quan trọng góp phần tạo nên mức giá chung, đã đạt mức cao nhất trong chu kỳ hiện tại ở mức trên 80 USD/thùng trong những ngày gần đây.

Những dữ liệu này cho thấy lạm phát không những không bị dập tắt mà còn có thể có xu hướng tăng vào năm 2024. Đây là tin tức đáng buồn đối với hầu hết các gia đình Mỹ, vốn đang phải chật vật để theo kịp mức giá ngày càng tăng của mọi thứ, gồm thực phẩm, năng lượng, nhà ở, đi lại, và chăm sóc y tế. Bởi vì chúng ta đã sống chung với lạm phát trong ba năm nay, nên mức giá chung cao hơn khoảng 20% ​​so với đầu năm 2021, và đối với một số nhóm hàng hóa như năng lượng, thì giá đã tăng hơn 70%. Tiền lương thực tế (tức là tiền lương sau khi điều chỉnh theo lạm phát) chỉ bắt đầu tăng vào năm 2023, có nghĩa là trong khoảng thời gian hai năm hầu hết các gia đình Mỹ đã bị cắt giảm lương (xét theo sức mua của họ), và vẫn ở trong tình trạng kinh tế tồi tệ hơn so với thời điểm chính phủ Tổng thống Biden bắt đầu lên nắm quyền.

Các gia đình Mỹ đang căng thẳng vì chi phí gia tăng, và phải gánh những khoản nợ ở mức nguy hiểm để trang trải cuộc sống. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân vẫn ở gần mức thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008–2009, và nợ gia đình đã tăng lên mức cao nhất kỷ lục là 17.5 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2023. Các gia đình đang ngày càng sử dụng nợ thẻ tín dụng để trang trải chi phí hàng ngày. Kể từ năm 2019, nợ gia đình đã tăng với tốc độ cao gần gấp ba so với tốc độ tăng thu nhập thực tế.

Để mang lại một chút cân bằng cho tài chính gia đình, giá cả không những cần phải ngừng tăng mà còn phải giảm xuống mức trước đại dịch. Tại thời điểm này, điều này dường như không có khả năng xảy ra. Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát sẽ tiếp tục kéo dài suốt năm 2024.

Trong khi tốc độ tăng chi phí thực phẩm gần đây đã chậm lại, và giá năng lượng đã giảm một chút so với mức cao trước đó, các nhóm hàng hóa khác vẫn tiếp tục tăng không ngừng. Chi phí nhà ở, chiếm một phần đáng kể trong ngân sách của hầu hết các gia đình, tiếp tục tăng ở mức gần 6% so với năm ngoái. Chi phí đi lại tăng gần 10% theo tỷ lệ so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng Hai. Thực phẩm mua ngoài (FAFH) đã tăng 4.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái trong tháng trước.

Giá dầu tăng gần đây gợi ý rằng xu hướng dịu bớt trong tốc độ tăng giá thực phẩm và năng lượng sẽ đảo ngược trong những tuần tới. Giá xăng bán lẻ, vẫn cao hơn một năm trước, đã tăng trong ba tuần nay, một xu hướng có thể sẽ tiếp tục ít nhất là trong vài tuần tới. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự kiến ​​giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng khoảng 2.9% vào năm 2024, với nguy cơ có thể tăng tới 5.3%. Kỳ vọng của Wall Street về lạm phát đã tăng 6.5% kể từ tháng Mười Hai, giội thêm một gáo nước lạnh vào ý tưởng rằng Hệ thống Dự trữ Liên bang sẽ có thể sớm giảm lãi suất.

Tuy nhiên, lý do căn bản nhất để tin rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2024 là nguồn cung tiền của Hoa Kỳ, vốn đã tăng 40% trong hai năm sau khi sau các đợt phân phát miễn phí tiền liên quan đến đại dịch và tăng gấp ba lần kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vẫn tương đối chưa bình thường trở lại khi so sánh với tăng trưởng năng suất. Tăng trưởng thu nhập quốc dân đã không tăng kịp theo được với nguồn cung tiền ngày càng tăng, và hậu quả là mức giá chung đã tăng một cách chậm rãi nhưng không thể tránh khỏi, một quá trình chỉ mới bắt đầu vào năm 2021. Tiến trình điều chỉnh giá cả này vẫn chưa hoàn thành, và trên thực tế vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Trong khi đó, chính phủ liên bang vẫn tiếp tục chi tiêu bằng nợ ở mức hàng ngàn tỷ USD, với riêng chi phí lãi vay thôi đã làm tăng thêm 1 ngàn tỷ USD vào nợ quốc gia cứ sau mỗi khoảng 100 ngày. Khoản chi tiêu thâm hụt trở thành một phần ngày càng tăng trong GDP không chỉ kìm hãm tăng trưởng kinh tế mà còn đóng vai trò là lực đẩy gây lạm phát mạnh mẽ và cuối cùng dẫn đến sự mất giá của đồng tiền.

Trong lúc chính phủ Tổng thống Biden và nhiều tiếng nói bình luận trên các hãng truyền thông tiếp tục ca ngợi lạm phát giảm, thì nhận định này trong trường hợp tốt nhất chỉ là một ảo tưởng đầy hy vọng nếu không muốn nói là hoàn toàn sai sự thật. Một thực tế đáng tiếc là lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao cho đến năm 2024 và các gia đình Mỹ sẽ tiếp tục phải gánh chịu hậu quả.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Nhật Thăng biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét