Ukraine đã kẹt cứng vào trong một tình thế giống hệt như phiên bản hiện đại của Trận Verdun kinh hoàng, diễn ra cách đây 108 năm trên Mặt trận phía Tây trong Đệ Nhất Thế chiến năm 1916. Cỗ máy xay thịt thời đó đã gây ra thương vong cho 700,000 người của Pháp và Đức.
Cơn ác mộng kết thúc 10 tháng sau đó, sau khi hàng phòng ngự quả cảm của Pháp chặn đứng đợt tấn công cuối cùng của quân Đức. Nhưng quân đội của hai bên cuối cùng lại trở về vị trí giống như khi trận chiến bắt đầu.
Sau cuộc tấn công phủ đầu thất bại của Nga vào Kyiv hồi tháng 02/2022 và tiếp đó là cuộc phản công “mùa xuân” kéo dài sáu tháng của Ukraine vào mùa xuân năm 2023 sụp đổ, cuộc chiến ở Ukraine hiện cũng đã rơi vào thế bế tắc tương tự.
Nga đã thất bại trong việc thôn tính Ukraine. Nước này chưa mở rộng được nhiều ra ngoài vùng Crimea và Donbas mà họ đã chiếm đóng.
Tuy nhiên, Ukraine dường như không thể đẩy lùi người Nga về thời điểm họ bắt đầu cuộc chiến vào tháng 02/2022, chứ chưa nói gì đến việc khôi phục các khu vực đã mất trước đó vào năm 2014.
Mặc dù không bên nào công bố số liệu thống kê toàn diện và đáng tin cậy về con số thương vong, nhưng cuộc chiến hiện nay có thể đã đạt tới con số tổng thương vong 600–700,000 người, cũng khủng khiếp như cuộc chiến Verdun.
Có lẽ 10 triệu dân Ukraine đã rời bỏ đất nước trước chiến tranh. Do làn sóng di cư ồ ạt của người tị nạn, [dân số] đất nước này có thể đã giảm xuống dưới 35 triệu người.
Nói cách khác, Nga hiện có dân số lớn gấp bảy lần, tổng sản phẩm quốc dân (GDP) gấp 10 lần, và diện tích gấp 30 lần diện tích Ukraine hiện tại.
Tuy nhiên, nếu NATO và Hoa Kỳ có thể tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraine, thì Nga khó có thể thôn tính Ukraine, ngay cả khi người ta nghi ngờ rằng liệu Ukraine có thể giành lại lãnh thổ đã mất trước năm 2014 hay không.
Khi thiệt hại về con người đang tăng lên và tình trạng bế tắc tiếp tục diễn ra, thì hàng tháng lại sẽ có các cuộc thảo luận về thỏa thuận hòa bình.
Đối với Ukraine và các đồng minh của họ, ngày càng có một nhận thức riêng rằng Kyiv sẽ không lấy lại được Donbas và Crimea, nơi phần lớn người dân nói tiếng Nga và đã bị mất cách đây một thập niên dưới thời chính phủ Tổng thống (TT) Obama trì trệ.
Thật vậy, dưới thời chính phủ TT Obama, chính phủ TT Trump, và chính phủ TT Biden, Ukraine hay các đồng minh của họ đã không hề thực hiện hành động bằng vũ lực nào để lấy lại những gì Nga đã chiếm đóng vào năm 2014.
Vậy những điểm chính trong các hiệp định đình chiến đang ngày càng được lan truyền trên các kênh truyền thông có thể là gì đây?
Có lẽ là điều gì đó gần giống với những gì Ukraine và Nga được cho là đã thảo luận vài tuần sau cuộc xâm lược thất bại của Nga vào năm 2022.
Kế hoạch đó sẽ dẫn đến việc thể chế hóa quyền kiểm soát Donbas và Crimea mà Nga đã duy trì trong một thập niên, cùng với việc bảo đảm chủ quyền của Ukraine dọc theo các đường ranh giới trước tháng 02/2022.
Một số người còn gợi ý thêm rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO, nhưng sẽ được trang bị vũ khí tận răng để ngăn chặn hoặc tiêu diệt những người Nga xâm lược trong tương lai.
Nếu người ta hiện đang xem xét lại những kế hoạch từng được đưa ra như vậy, thì đâu sẽ là những lợi thế và bất lợi cho cả Nga và Ukraine?
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải giải thích — giống như bất kỳ nhà độc tài nào — cho người dân của mình lý do tại sao ông lại phát động một cuộc chiến khiến khoảng 500,000 người Nga thiệt mạng và bị thương, khiến quân đội của ông tan rã, và không giành được thêm lãnh thổ nào ngoài việc danh tiếng của Nga bị giảm sút nghiêm trọng.
Mặt tích cực của ông có lẽ là ông đã một mình hoàn tất việc sáp nhập Donbas và Crimea giàu tài nguyên cũng như ngăn Ukraine gia nhập NATO.
Ukraine có thể phản bác lại rằng sự dũng cảm của họ và sự viện trợ của các đồng minh đã gây ra thiệt hại nặng nề nhất cho quân đội Nga kể từ Đệ nhị Thế chiến. Hơn nữa, các cam kết về việc tái thiết và tái vũ trang cho quân đội Ukraine hiện đã trở nên thành thục có thể ngăn chặn ông Putin 71 tuổi lặp lại một cuộc xâm lược.
Ukraine sẽ mất đi tuyên bố chủ quyền hợp lệ đối với hai vùng Donbas và Crimea. Nhưng một lần nữa, rõ ràng là cả chính phủ TT Obama, chính phủ TT Trump, và chính phủ TT Biden trước chiến tranh, lẫn các thành viên NATO và bản thân Ukraine đều chưa từng có bất kỳ nghị trình hay năng lực nào để mạnh dạn lấy lại những gì ông Putin đã chiếm đoạt.
Nhưng nếu không có thỏa thuận nào thì sao?
Đến cuối năm 2024, tình trạng hiện tại có thể dẫn đến tổng cộng một triệu người bị thương vong.
Các quốc gia Âu Châu vẫn sẽ lên tiếng quyết liệt. Nhưng dần dần, họ sẽ giảm dần viện trợ và lặng lẽ xem nhẹ Ukraine.
Liên minh chống phương Tây độc hại đang nổi lên gồm Trung Quốc, Iran, và Nga sẽ mạnh mẽ hơn. Các bên thứ ba biết nhân cơ hội như Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông, và các quốc gia Nam bán cầu sẽ ngày càng bị thu hút gần hơn vào quỹ đạo Trục mới này.
Các biện pháp nhằm phá vỡ sự bế tắc kéo dài nhiều năm này sẽ càng gia tăng, với những lời kêu gọi từ phía Ukraine để yêu cầu phương Tây cung cấp vũ khí nhiều hơn và có tính sát thương mạnh hơn, ngay cả khi nhân lực của nước này giảm đi.
Các yêu cầu sẽ tăng lên để thực hiện các cuộc tấn công tăng cường, dù hợp lý về mặt chiến lược, nhưng mang tính nguy hiểm, vào các căn cứ và kho tiếp tế của người Nga bên trong nước “Mẹ Nga” (Mother Russia) và vào Hạm đội Hắc Hải.
Đáp lại, Nga sẽ gia tăng các mối đe dọa hạt nhân hàng loạt hiện nay và tiếp tục nhắm vào thường dân. Những cuộc chiến bế tắc có cách biến điều từng đáng sợ và không thể tưởng tượng được này trở thành điều bình thường và có thể xảy ra.
Đã có cuộc bàn luận điên rồ về việc NATO đưa quân bộ binh vào cuộc chiến này, trong khi Nga đe dọa tấn công các quốc gia phương Tây khác.
Điều duy nhất còn tồi tệ hơn một cuộc đình chiến không có người thắng kẻ thua rõ ràng là một cuộc chiến bất tận với hơn một triệu người thương vong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét