Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Tại Sao Nga Không Ngăn Chặn Được Vụ Tấn Công Khủng Bố Ở Moscow?

Bốn nghi phạm trong vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Moscow đã ra hầu tòa và ba người trong số họ đã nhận tội. Hình ảnh Crocus City Hall bị lửa thiêu trụi. (Stringer/AFP qua Getty Images)

TẠI SAO NGA KHÔNG NGĂN CHẶN ĐƯỢC VỤ TẤN CÔNG KHỦNG BỐ Ở MOSCOW?
Lý Ngọc biên dịch

Vào ngày 22/3, một vụ tấn công khủng bố đã gây chấn động thế giới tại Crocus City Hall, Moscow, Nga. Bốn tay súng đã bắn thường dân và đốt cháy phòng hòa nhạc, khiến ít nhất 139 người thiệt mạng. Thủ phạm thực sự là ai? Tại sao cơ quan an ninh Nga không ngăn chặn được vụ tấn công khủng bố này? Các chuyên gia cho rằng hệ thống hành chính Nga đang trong tình trạng nửa tê liệt, phản ứng chậm, đồng thời có thể mở đường cho một đợt cưỡng bách tòng quân khác.

Những kẻ khủng bố chạy trốn sang Ukraine?

Một ngày sau vụ tấn công khủng bố (23/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trên truyền hình nói rằng 4 kẻ khủng bố đã cố gắng trốn thoát về phía Ukraine và Ukraine đã chuẩn bị một cửa sổ qua biên giới cho chúng. Giới chức Nga cũng công bố video nghi phạm thú nhận sau khi bị bắt.

Ngày 26/3, đồng minh của Nga là Tổng thống Belarus Lukashenko đã bác bỏ tuyên bố của ông Putin. Ông Lukashenko cho biết, các tay súng ban đầu cố gắng trốn sang Belarus chứ không phải Ukraine như ông Putin và các quan chức khác tuyên bố.

Hãng Reuters đưa tin, ông Lukashenko nói rằng Belarus đã thiết lập các trạm kiểm soát ở biên giới: "Đây là lý do tại sao chúng (những kẻ khủng bố) không thể vào Belarus. Chúng nhìn thấy các trạm kiểm soát nên quay đầu bỏ chạy về phía biên giới Ukraine - Nga".

Ông Trịnh Khâm Mô, Phó giáo sư tại Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan và là chuyên gia về chính sách an ninh Nga, nói với The Epoch Times rằng thông tin hiện do Nga công bố là không đáng tin cậy. Những kẻ khủng bố đến từ Trung Á và xâm nhập vào đất nước này từ Thổ Nhĩ Kỳ cách đây không lâu. “Nếu họ quen thuộc về mặt địa lý, họ nên chạy trốn về phía nam, đến các quốc gia Trung Á của chính họ, nơi họ có nhiều khả năng tiếp nhận người xin tị nạn hơn”.

"Việc họ trốn sang Ukraine là không hợp lý, nên từ góc độ này, có thể thấy thông tin do quan chức Nga đưa ra có thể đã được xử lý, không chính xác và có tính toán chính trị".

Bốn giờ sau khi vụ tấn công khủng bố xảy ra tại phòng hòa nhạc ở Crocus City Hall, Moscow, Nga, ngày 22/3, Nhà nước Hồi giáo (ISIS) đã nhận trách nhiệm về vụ việc và thông báo 4 tay súng đã trở về căn cứ an toàn. Nhà nước Hồi giáo cũng công bố một đoạn video dài khoảng một phút rưỡi cho thấy các tay súng bắn vào đám đông và hét lên "Allahu Akbar".

Hiện tại, đối với Nga, IS một lần nữa đưa ra cảnh báo sẽ thực hiện một cuộc tấn công khác.

Vào ngày 25/3, ông Putin đã thay đổi giọng điệu và nói: “Chúng tôi biết rằng tội ác này do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện”. Nhưng ông vẫn nói: “Chúng tôi cũng biết rằng Hoa Kỳ sử dụng nhiều kênh khác nhau để cố gắng thuyết phục các nước vệ tinh của họ và các nước khác, các cuộc tấn công khủng bố được thực hiện bởi các thành viên của Nhà nước Hồi giáo".

Chính quyền Nga phớt lờ cảnh báo khủng bố của Mỹ

Hoa Kỳ đã thông báo cho Nga trước vụ tấn công khủng bố này. Đầu tháng 3, Mỹ đã thu thập thông tin tình báo cho thấy "Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan" (ISIS-K) sẽ lên kế hoạch tấn công Moscow. Vào ngày 7/3, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Moscow đã cảnh báo công dân Mỹ rằng những kẻ cực đoan đang lên kế hoạch tấn công các cuộc tụ tập lớn ở Moscow, bao gồm cả các buổi hòa nhạc.

Nhà nước Hồi giáo cũng đã tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn vào các địa điểm âm nhạc trên khắp châu Âu kể từ những năm 2010. Trong hai năm qua, ISIS-K cũng để mắt tới Nga, thường xuyên chỉ trích chính quyền ông Putin trong các hoạt động tuyên truyền chính trị và cáo buộc Điện Kremlin dính máu Hồi giáo trên tay. Điều này là do Moscow phát động cuộc chiến chống Afghanistan vào những năm 1980, tàn sát người Hồi giáo Chechnya sau năm 1999, và sau năm 2017, trong khi đánh phe đối lập với chế độ độc tài Assad ở Syria, ông Putin cũng giáng một đòn nặng nề vào quyền lực của Nhà nước Hồi giáo.

Giáo sư Trịnh Khâm Mô cho rằng Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) có mức độ kiểm soát đáng kể đối với các cuộc tấn công khủng bố của ISIS-K. “Hoa Kỳ đã đóng quân ở Afghanistan trong 20 năm, vì vậy CIA của họ đã theo dõi các tổ chức khủng bố này ở Trung Đông đã nhiều năm rồi, lần này họ biết được thông tin (tấn công khủng bố) này nên tôi không ngạc nhiên”.

Ông nói rằng Hoa Kỳ rất bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài: “Ngoài việc truyền tải thông điệp này một cách chính thức và thông qua đại sứ quán ở Hoa Kỳ, Hoa Kỳ cũng đưa ra thông báo tới tất cả công dân của mình ở Nga, cảnh báo họ tránh xa những nơi đông người. Họ được cảnh báo tránh tụ tập đông người".

Giáo sư Trịnh cũng cho biết, ông rất ngạc nhiên khi chính quyền Nga phớt lờ những cảnh báo từ Mỹ: "Về mặt lý thuyết, các cựu KGB hoặc Cơ quan An ninh Liên bang Nga hiện tại lẽ ra phải chú ý đến những thông tin này".

Về việc ông Putin phớt lờ cảnh báo của Mỹ về các cuộc tấn công khủng bố, Giáo sư Trịnh cho biết: “Ông ấy (Putin) có thể đã biết điều đó và cố tình không xử lý, nhưng ông ấy không ngờ rằng quy mô của cuộc tấn công khủng bố này lại lớn đến vậy”. Ông nói: “Nga không chỉ phớt lờ mà thậm chí còn coi như thể Mỹ có liên quan”.

Bộ máy quan liêu của Nga đang trong tình trạng nửa bế tắc?

Phòng hòa nhạc ở Crocus City Hall nơi xảy ra vụ tấn công khủng bố nằm ngay đối diện Căn cứ Sở cảnh sát đặc biệt Moscow nhưng cảnh sát phải mất 1 giờ 22 phút mới có mặt tại hiện trường vụ tấn công. Đoạn video chính thức của IS cũng cho thấy sau khi giết chết hơn một trăm người, bốn tay súng từ từ bước ra khỏi phòng hòa nhạc.

Giáo sư Trịnh cho rằng phản ứng chậm chạp của chính quyền Moscow trước các cuộc tấn công khủng bố khiến người dân cảm thấy “toàn bộ bộ máy quan liêu của Nga liệu có đang rơi vào tình trạng nửa bế tắc?”.

Ông nói: "Những kẻ khủng bố đã bắn, oanh tạc và thậm chí phóng hỏa phòng hòa nhạc, cảnh sát và lực lượng an ninh đã đến muộn. Lần này, rõ ràng các đinh vít của toàn bộ hệ thống hành chính Nga đã bị nới lỏng, nghĩa là, chế độ của ông Putin thực sự rất manh mún, và chúng ta có thể dự đoán rằng xã hội này có thể trở nên bất ổn hơn, và nhiều mối đe dọa an ninh có thể lần lượt xuất hiện”.

"Ngoài ra, tôi e rằng việc tham gia vào cuộc chiến Ukraine đã khiến Nga phân bổ nguồn lực (mất cân bằng). Tôi cho rằng chế độ ông Putin đang tập trung vào việc duy trì quyền lực và không quan tâm đến an sinh xã hội. Ngoài ra, còn dành nhiều sự quan tâm hơn nữa trên chiến trường Ukraine, e rằng đây cũng là nguyên nhân khó thoát khỏi trách nhiệm”.

Nga nhắm vào Ukraine và Mỹ

Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất ở Nga trong 20 năm qua, ông Putin liên tục ám chỉ vụ tấn công khủng bố có liên quan đến Ukraine và Mỹ.

Vào ngày 26/3, Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), tuyên bố rằng ông cho rằng Ukraine, Hoa Kỳ và Anh có liên quan đến vụ tấn công khủng bố vào phòng hòa nhạc gần Moscow.

Reuters đưa tin, ông Bortnikov nói trên truyền hình: "Chúng tôi cho rằng ngoài sự chuẩn bị của phiến quân Hồi giáo để tiến hành chiến dịch này, họ còn nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng đặc biệt phương Tây". "Lực lượng đặc biệt Ukraine có liên quan trực tiếp đến việc này".

Khi được phóng viên Nga hỏi liệu Ukraine và các đồng minh Mỹ và Anh có liên quan đến vụ tấn công phòng hòa nhạc hay không, ông Bortnikov nói: "Chúng tôi nghĩ vậy".

Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào cho những tuyên bố này.

Ngày 24/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Zakharova, cũng trực tiếp hoặc gián tiếp cáo buộc Mỹ tài trợ cho các hành động khủng bố ở Ukraine.

Về việc Nga nhắm vào Ukraine và Mỹ, Giáo sư Trịnh cho biết: "Bây giờ đang là thời kỳ chiến tranh Nga - Ukraine, ông Putin mới đắc cử. Để tập hợp sức mạnh của đất nước, ông đổ lỗi cho Ukraine. Đặc biệt là khi ông ấy đổ lỗi cho Ukraine, việc tòng quân lần thứ hai, mở rộng nguồn quân đồng thời tạo ra hận thù với Ukraine về cơ bản là hợp lý”.

“Về mặt lý trí, Ukraine không thể tham gia. Trước hết, cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ từ phương Tây, nếu tham gia vào một cuộc tấn công khủng bố vào thời điểm này, Ukraine sẽ ngay lập tức chịu cái gọi là lên án đạo đức, tôi e rằng dư luận phương Tây và sự ủng hộ của phương Tây sẽ trở nên vô ích".

Ông cũng nói: “Sự hiểu biết cơ bản nhất là cuộc tấn công khủng bố này có rất ít cơ hội do Hoa Kỳ lãnh đạo. Ở một đất nước như Hoa Kỳ, đặc biệt là Hoa Kỳ, nơi rất coi trọng đạo đức và theo một hệ thống dân chủ, rất coi trọng nhân quyền, thật khó để tưởng tượng rằng ông (Putin) lại gắn liền với một việc như vậy".

Ông Putin dàn dựng một cuộc tấn công khủng bố?

Ukraine chỉ trích mạnh mẽ cáo buộc của Nga. Tổng thống Ukraine, Zelensky, nói rằng ông Putin đang nghĩ cách lôi kéo Ukraine vào và "đổ lỗi" cho Ukraine về vụ tấn công.

Một số dư luận cho rằng không loại trừ khả năng chính ông Putin đã làm việc đó. Giáo sư Trịnh cho rằng với nền tảng KGB của Putin, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông cố tình dàn dựng các cuộc tấn công khủng bố. "Putin được cho là có nhiều tiền án, đặc biệt là trong cuộc chiến Chechnya lần thứ hai mà ông lãnh đạo. Để giành được sự ủng hộ trong nước, ông đã đàn áp dã man Chechnya và gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố".

Năm 1999, hơn 200 người thiệt mạng trong một vụ đánh bom căn hộ ở Chechnya. Các nghi phạm được cho là người Chechnya đến từ Moscow, Buynkask và Volgodonsk. Ông Putin khi đó là Thủ tướng, sau đó đã gửi quân trở lại Chechnya. Tuy nhiên, phe đối lập Chechnya cáo buộc cơ quan mật vụ Nga đứng đằng sau vụ tấn công.

Tuy nhiên, Giáo sư Trịnh cho rằng khó có khả năng Putin đã dàn dựng vụ tấn công khủng bố ở Moscow này: "Nếu ông ấy chỉ muốn tạo ra một cuộc tấn công khủng bố giả và đổ lỗi cho Ukraine thì hoạt động này không nên có nhiều nghi ngờ như vậy".

‘Tiểu phấn hồng’ ở Trung Quốc ủng hộ Nga

Sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow, nó đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc. Bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, một số Tiểu phấn hồng ủng hộ Nga, tin rằng Hoa Kỳ đang hỗ trợ IS và hoạt động đằng sau hậu trường. Ngay cả chuyên gia cánh tả Kim Xán Vinh cũng bị người hâm mộ mắng mỏ khi ông cho rằng vụ tấn công khủng bố ở Moscow không phải do Mỹ gây ra.

(Tiểu phấn hồng, là một thuật ngữ mô tả những người trẻ tuổi ủng hộ phong trào dân tộc hiếu chiến trên Internet tại Trung Quốc).

Trước hiện tượng này ở Trung Quốc, Giáo sư Trịnh cho rằng, “về cơ bản, Tiểu phấn hồng đổ lỗi cho Hoa Kỳ mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Đối với họ, dù sao thì mọi sai lầm, mọi trách nhiệm đều thuộc về Hoa Kỳ, mọi việc xấu đều do Hoa Kỳ gây ra. Những người này thậm chí còn không chịu bình tĩnh suy nghĩ xem Hoa Kỳ có động cơ gì? Cần gì phải làm như vậy?".

“Những gì xảy ra lần này thực chất chỉ phản ánh phần nổi của tảng băng chìm. Trong hầu hết mọi sự kiện lịch sử, trong đó có chiến tranh Nga - Ukraine, chúng ta thấy một bộ phận lớn người dân Trung Quốc ủng hộ cái gọi là kẻ xâm lược và ủng hộ việc phá hoại luật pháp quốc tế. Ông nói: “Dưới sự giáo dục tẩy não của chế độ ĐCSTQ, nhiều người ở Trung Quốc đã trở nên mù chữ về trí tuệ và hoàn toàn phi logic. Họ hoàn toàn tuân theo những chỉ dẫn của chính quyền để suy nghĩ, đồng nghĩa với việc họ đã đánh mất khả năng suy nghĩ độc lập cơ bản của một con người. Tôi nghĩ đây là tác hại lớn nhất mà chính quyền Trung Quốc đã gây ra cho người dân Trung Quốc”.

Giáo sư Trịnh nói: “Điều này thực sự rất đáng tiếc cho toàn bộ dân tộc Trung Quốc, cho sự hội nhập của Trung Quốc với thế giới và cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc”.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét