Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

BPSOS Lên Tiếng Về Mối Nguy Hại Tới Công Giáo Ở Hong Kong

 


BPSOS LÊN TIẾNG VỀ MỐI NGUY HẠI TỚI CÔNG GIÁO Ở HONG KONG
Hải Di Nguyễn

BPSOS lên tiếng về mối nguy hại tới Công giáo ở Hong Kong

2024-03-18

Hải Di Nguyễn

Ngày 13/3/2014, TS. Nguyễn Đình Thắng và tổ chức BPSOS đứng tên trong lá thư chung bày tỏ “quan ngại sâu sắc và nghiêm trọng” về mối đe dọa sắp đến với quyền tự do tôn giáo và Bí tích Sám hối ở Hong Kong.

16 chuyên gia quốc tế về tự do tôn giáo và niềm tin lên tiếng về Điều 23 mới luật an ninh Hong Kong, đe dọa trực tiếp đến quyền tự do tôn giáo và tính bảo mật của Bí tích Sám hối (còn gọi là Bí tích Hòa giải hay Xưng Tội) trong Giáo hội Công giáo.

Bộ trưởng Tư pháp Hong Kong Paul Lam Ting-Kwok nói, theo điều luật mới này, một người có thể bị phạt tới 14 năm tù nếu biết ai đó phạm tội “phản quốc” nhưng không báo cho chính quyền trong thời gian hợp lý.

Bà Loan Nguyễn, người Công giáo và thành viên của tổ chức Vận động cho Đức tin và Công lý tại Việt Nam, giải thích:

“Giáo Hội Công giáo đã có từ 1917 những luật sau:

983 §1. Ấn tín bí tích là bất khả xâm phạm; do đó, tuyệt đối cấm cha giải tội phản bội hối nhân bằng bất cứ cách nào bằng lời nói hoặc bằng bất kỳ cách nào và vì bất kỳ lý do gì.

984 §1. Cha giải tội bị cấm hoàn toàn sử dụng kiến thức thu được từ việc xưng tội để gây phương hại cho hối nhân, ngay cả khi đã loại trừ mọi nguy cơ tiết lộ.

984 §2. Một người đã được trao quyền không thể sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào để quản lý bên ngoài sự hiểu biết về tội lỗi mà mình đã nhận được trong tòa giải tội bất cứ lúc nào.”

Lá thư chung có đoạn:

“Buộc một linh mục tiết lộ những điều đã nói trong lời Xưng Tội, trái với ý muốn và lương tâm của người linh mục và hoàn toàn vi phạm quyền riêng tư của cá nhân xưng tội, là hoàn toàn vi phạm Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và vì thế là hoàn toàn không thể chấp nhận được, phải bị lên án bởi tất cả những người có lương tâm thuộc mọi tôn giáo hoặc không tôn giáo nào trên toàn thế giới.

“Nói rộng hơn, luật an ninh mới được đề xuất, cộng thêm cho Luật An ninh Quốc gia do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc ở Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong ngày 1/7/2020, sẽ có tác động rất nghiêm trọng tới quyền cơ bản của con người, các quyền tự do cơ bản, pháp quyền, và quyền tự trị của Hong Kong.”

BPSOS và TS. Nguyễn Đình Thắng ký lá thư chung cùng nhiều chuyên gia về tự do tôn giáo và niềm tin như các đại diện của Hong Kong Watch, The Committee for Freedom in Hong Kong Foundation, Christian Solidarity Worldwide, China Aid, International Religious Freedom Secretariat, Freedom House, Religious Freedom Institute, v.v.

Trong khi đó, BPSOS cũng đang tiến hành dự án nghiên cứu cho USCIRF (United States Commission on International Religious Freedom, tức Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế) về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát tại Việt Nam, bao gồm Ủy ban Đoàn kết Công giáo.

Gần đây, trong lá thư viết cho Ngoại trưởng Antony Blinken, kêu gọi đưa Việt Nam trở lại danh sách Những quốc gia cần quan tâm đặc biệt, Dân biểu Michelle Steel có nói “Việt Nam đã áp dụng mô hình của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chính sách tôn giáo, yêu cầu các cộng đồng tôn giáo phải đăng ký hội nhóm và nơi thờ cúng của họ với chính phủ như một điều kiện tiên quyết cho hoạt động tôn giáo.”

Công giáo ở Việt Nam không là ngoại lệ.

TS. Phan Quang Trọng, người đồng sáng lập tổ chức Vận động cho Đức tin và Công lý ở Việt Nam, nói “Từ khi được thành lập năm 1955, tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã nhiều lần đổi tên nhưng không hề thay đổi mục đích là xích hóa Giáo hội Công giáo Việt Nam nhằm phục vụ mục tiêu duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước Việt Nam của đảng Cộng sản.”

Ông giải thích:

“Sau khi chiếm được miền Nam, đảng CSVN đã mượn tay Ủy ban Đoàn kết Công giáo để giảm ảnh hưởng của Công giáo trong xã hội Việt Nam bằng mọi cách. Giáo hội Công giáo Việt Nam trong giai đoạn 1975-1990 bị bách hại không thua gì Giáo hội Miền Bắc thời trước 1975. Nhưng, rút lấy kinh nghiệm bách hại Công giáo ở miền Bắc, Cộng sản Việt Nam sau 1975 áp dụng nhiều chiến thuật tinh vi hơn. Nhất là thời gian sau năm 1986 khi đã trót mở cửa, họ càng cần tới thủ đoạn để che mắt quốc tế. Đây chính là sự khác biệt giữa tổ chức Công giáo Yêu nước của Trung Cộng và Ủy ban Đoàn kết Công giáo của Việt Nam. Trong những năm gần đây, nhà cầm quyền CSVN không dám tiếp tục tiêu diệt tôn giáo theo cách tàn bạo như trước nữa, nên họ phải thay đổi sách lược. Sách lược mới của họ là dùng các tổ chức như Ủy ban Đoàn kết Công giáo như một công cụ để nhà cầm quyền áp dụng chính sách hai mặt và chính sách biến chất các tôn giáo.

“Qua sự tiếp tay của Ủy ban Đoàn kết Công giáo, nhà cầm quyền một mặt tạo ra một vỏ bọc bên ngoài rất đẹp cho các tôn giáo, bằng việc cho những tôn giáo nào thần phục và chấp nhận sự kiểm soát của họ được tự do xây cất nguy nga, đồ sộ và rất đẹp, đồng thời cho tín đồ của những tôn giáo ấy được tự do tham dự những sinh hoạt tôn giáo như thờ phượng, cầu nguyện, lễ lạt, mặt khác họ vẫn đàn áp các tôn giáo không thần phục. Họ đàn áp thẳng tay những tôn giáo nào không chấp nhận sự kiểm soát của họ, và những ai dám vì lương tâm tôn giáo mà lên tiếng phản đối hay góp ý về những sai trái, những tội ác hay những bất công do họ gây ra, biến các tôn giáo trở thành những tôn giáo thuần túy lễ hội, nghĩa là chỉ có những sinh hoạt lễ nghi, cầu nguyện, v.v. Nói khác đi, họ muốn tôn giáo trở thành một thứ thuốc phiện, làm tê liệt mọi ý chí đấu tranh, hoàn toàn chấp nhận hiện trạng bị áp bức, đồng thời vô cảm và im lặng trước tất cả những tội ác, những bất công do họ gây ra. Dần dần tôn giáo như Công giáo tuy không trở thành một tôn giáo quốc doanh nhưng bị biến chất, không thực hiện các chức năng của mình, và dần trở thành công cụ của nhà cầm quyền.”

Công trình nghiên cứu này của BPSOS nhằm cho Hoa Kỳ và thế giới thấy được cách nhà nước Việt Nam dựng lên hoặc kiểm soát một số tổ chức tôn giáo làm công cụ để khống chế hoặc tiêu diệt các tổ chức, cộng đồng tôn giáo độc lập.

Việc BPSOS và TS. Nguyễn Đình Thắng lên tiếng báo động về diễn tiến hết sức đáng quan ngại ở Hong Kong còn mang ý nghĩa cảnh giác tình trạng tương tự, chỉ đi sau vài bước, ở Việt Nam.

Quý vị nào muốn liên lạc với các nhóm nghiên cứu để cung cấp thông tin về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước Việt Nam chi phối có thể dùng những địa chỉ email sau:

Ủy ban Đoàn kết Công giáo: DeAn-CongGiao@vncrp.org

Chi phái Cao Đài 1997: DeAn-CaoDai@vncrp.org

Giáo hội Phật giáo Việt Nam: DeAn-PhatGiao@vncrp.org

Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Nam: DeAn-TinLanh-Nam@vncrp.org

Hội thánh Tin lành Việt Nam – miền Bắc: DeAn-TinLanh-Bac@vncrp.org

Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo: DeAn-PGHH@vncrp.org

Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét