Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Ngọc Lan Tạo Nên Trường Phái Riêng Trong Nhạc Việt

Ca sĩ Ngọc Lan

NGỌC LAN TẠO NÊN TRƯỜNG PHÁI RIÊNG TRONG NHẠC VIỆT
Nhạc vàng

Ngọc Lan là một trường hợp đặc biệt nhất, khi cô được đích thân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh định danh cho trường phái của mình: “Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!”.

Khác với các trường phái còn lại, trường phái Ngọc Lan không chỉ đến từ giọng hát, mà còn đến từ ngoại hình, để mỗi khi nhắc đến trường phái này, người nghe lại liên tưởng tới một bóng hồng xinh đẹp, mềm mại, nữ tính. Và cũng thật lạ, khi ở Ngọc Lan, giọng hát lại có sự tương đồng hài hòa với ngoại hình, đều toát lên chút gì đó rụt rè, trong sáng, thánh thiện và ngọt ngào. Từ ngoại hình đã kéo theo chất riêng trong phong cách trình diễn, biểu cảm của Ngọc Lan trên sân khấu – phong cách Tiểu thư buồn.

Trường phái Ngọc Lan gắn liền với thời kỳ đổi mới tân nhạc, đến như một cô gái tân thời, sẵn sàng rũ bỏ lối hát nảy chữ, khép tiếng, lối luyến láy truyền thống của dân tộc, từ bỏ luôn cả lối hát ỉ ôi của nhạc vàng để khoác lên mình những lối hát mới đầy hiện đại và hấp dẫn. Lối hát đặc trưng này được Ngọc Lan học hỏi từ nhạc Pháp, nhạc Anh, kết hợp với nhạc trữ tình trước 1975, nên Đông – Tây kết hợp, vừa có chút cổ, lại không kém phần hiện đại, trẻ trung.

Được định hình để hát những bản tình ca mềm mại, trường phái Ngọc Lan tập trung vào lối hát hướng nội, quãng âm nhỏ nhẹ, ém kỹ thuật vào trong, dùng kĩ thuật để làm cho giọng hát tự nhiên nhất có thể, chứ không phải khoe toàn bộ kỹ thuật như các ca sĩ ngày nay vẫn làm. Bởi vậy khi nghe Ngọc Lan, chúng ta không bao giờ cảm thấy một kỹ thuật nào hết, chỉ còn cảm xúc và tâm hồn chạm đến trái tim. Đó mới là cái đích của âm nhạc.

Đặc trưng của trường phái Ngọc Lan là phẩm chất nữ tính. Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, dùng nó để phát triển lối hát mới – lối “hát điệu”, rất phù hợp với những giọng light lirico soprano nhẹ nhàng, ngọt ngào. Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy. Để phát huy hết chất nữ tính, Ngọc Lan đã sử dụng “lối hát nhẹ”, tức là phát âm, nhả chữ ở mức nhẹ nhất có thể, tựa như gió thổi qua.

Đây có lẽ là lối hát đặc biệt nhất của trường phái Ngọc Lan do chính cô tạo ra, chưa từng có ở các ca sĩ trước đây. Nhờ lối hát này mà Ngọc Lan đã đốn gục biết bao trái tim si tình, biến nó trở thành vũ khí tối mật cho các giọng nữ, mà sau này đã được Như Quỳnh, Minh Tuyết, Y Phương… kế thừa thành công.

Lối “hát điệu” này không phải cái điệu quá lố, mà là cái điệu được kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều kĩ thuật, giúp cho giọng hát của cô tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình vậy.

Chất “buồn” cũng là một trong những khuynh hướng riêng mà Ngọc Lan tạo nên cho trường phái của mình, đúng với phong cách “Tiểu thư buồn” cô mang. Ngọc Lan hát rất buồn, cái buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát, cách hát của cô, nên dù có hát những giai điệu uptempo vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn.

Và, để cái buồn không bị sến, mà vẫn sang, Ngọc Lan đã khéo léo nhả chữ nhẹ nhàng, ấm áp, luyến vô cùng nhẹ, tạo nên sự mong manh, yếu đuối, cần được chở che.

Cũng như trường phái Thái Thanh, trường phái Ngọc Lan mang theo một “khí” rất riêng, mà dù có hát bất cứ ca khúc, của bất kì nhạc sĩ, dòng nhạc nào, cũng vẫn nổi lên cái “khí” đó, khiến khán giả cảm nhận được một cách rõ ràng.

nguồn: Đức Long

Thương tiếc cô Ngọc Lan

Nhạc Vàng


Kính mời quý vị thưởng thức 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét