Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

Sử Dụng Tiếng Việt Ngày Nay - Hiện Trạng Và Giải Pháp

 


SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT NGÀY NAY – HIỆN TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

ThS. Võ Thị Ngọc Thúy

Ngày nay, tiếng Việt đang dần mất đi sự “trong sáng” bởi sự thiếu ý thức và cả sự vô tư đến mức ngây thơ đáng trách của chính người Việt. Bản tính “sính ngoại” của chủ nhân đã và đang khiến tiếng Việt biến thành một mớ hỗn tạp những ngôn ngữ ngoại lai. Tiếng Việt trở thành nạn nhân của mục đích rẻ tiền khoe chữ, đánh bóng bản thân của những kẻ trí thức nửa vời hãnh tiến. Kẻ Tây học thì chêm xen tiếng Anh, tiếng Pháp. Kẻ lắm chữ thì thích dùng nhiều từ Hán Việt mang tính hàn lâm, ngay cả khi không thực sự hiểu hết ý nghĩa và cách dùng của từ. Giới trẻ thì đua nhau giản lược chữ viết của ông cha, dần hình thành những mật mã riêng (được mệnh danh là “ngôn ngữ thời @”, “ngôn ngữ thế hệ 9x”) để thoát khỏi sự kiểm soát của người lớn; lại còn đưa vào vô số những từ tiếng Anh khiến tiếng Việt rơi vào trạng thái nửa Tây nửa ta. Rất nhiều từ địa phương trở nên xa lạ với mọi người và dần mai một, chỉ còn được nhắc đến trong các từ điển từ cổ hay các giáo trình dạy phương ngữ. Chúng tôi xin đưa ra hai ví dụ đơn giản sau:

Một là về sự thay đổi trong cách gọi người cha, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy tiếng Việt đã từ bỏ nguồn cội nhanh chóng và vô tư như thế nào. Các tỉnh thành phía Bắc hiện nay hầu hết gọi “bố”, không còn gọi “thầy” như thời phong kiến; phía Nam gọi “ba”, không còn gọi “tía” (có nguồn gốc từ tiếng Hán); miền Trung bây giờ hầu hết gọi “ba”, thậm chí là “bố” (ở các thành phố lớn, từ Hà Tĩnh trở ra, dưới ảnh hưởng của miền Bắc), rất hiếm nơi gọi “bọ” (Quảng Bình), “cha” (Nghệ Tĩnh). Những tiếng “thầy”, “tía” mất đi do áp lực của thời đại, của lịch sử, dầu sao vẫn phải chấp nhận, nhưng tiếng “bọ” là tiếng gọi đặc trưng thể hiện văn hóa của địa phương mà cũng mất đi hoặc không được con cháu đời sau biết đến là tai họa, là tổn thất lớn lao của bản sắc tiếng Việt.

Hai là về cách chào tạm biệt của người Việt, tự hỏi, có bao nhiêu cách thuần Việt hay hoàn toàn vay mượn? “Tạm biệt” là từ Hán Việt, chắc chắn là chúng ta mượn từ người Hán đến nay chưa trả. “Bai bai” hay “Bai” thì rõ ràng là nguồn gốc Anh quốc “bye”. Giới trẻ bây giờ chào nhau rất nhẹ bằng tiếng “bye”, không ai cần suy nghĩ gì. Nhưng khi trẻ em mới bi bô tập nói cũng được dạy cho cách chào “bai” thì thực sự phải đặt câu hỏi: Chúng ta đang dạy cho trẻ nói tiếng Anh hay tiếng Việt? Và đâu mới là lời chào tạm biệt chuẩn Việt? Làm sao để gạn đục khơi trong cho trẻ em được thụ hưởng một thứ tiếng Việt thuần khiết nhất?
1. Thực trạng sử dụng và giảng dạy

1.1. Các lỗi thường gặp

Thực trạng sử dụng tiếng Việt còn tồn tại nhiều vấn đề nhức nhối, nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh dễ nhận biết nhất, đó là những lỗi lộ thiên về chính tả, ngữ pháp và cách dùng từ Hán Việt của người Việt.

Trước hết, hãy nhìn vào tình hình sử dụng tiếng Việt trong một số phạm vi:

* Trong nhà trường

Trường học được coi là môi trường lí tưởng nơi ngôn ngữ được sử dụng đúng tiêu chuẩn về các phương diện chính tả, ngữ pháp, mạch lạc, phong cách,… Về phía giáo viên, không thể phủ nhận thực tế rằng khả năng sử dụng tiếng Việt tốt nhất vẫn bó hẹp phạm vi trong những cá nhân có liên quan đến các bộ môn xã hội. Không ít thầy cô giáo ở các phân môn khác tự thừa nhận họ cũng gặp khá nhiều khó khăn về ngôn từ khi giảng dạy hoặc khi viết các loại giấy tờ, đơn thư trong công việc. Về phía học sinh, sinh viên, cũng có thể phân thành hai nhóm kĩ năng trên. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm ở đối tượng này là việc lạm dụng tiếng lóng, viết tắt và chêm xen quá nhiều tiếng Anh. Chẳng hạn, wen(quen); wên (quên); iu (yêu); lun (luôn); bùn (buồn); bitk? (biết không?); rùi (rồi); dc (được); ko, k (không); u (bạn), ex (người yêu cũ), Bít chít lìn (biết chết liền) v.v.

* Trong gia đình

Giao tiếp thường nhật giữa các thành viên trong gia đình là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến cách diễn đạt, thói quen ngôn ngữ của từng cá nhân. Thường thì con cái bị ảnh hưởng trực tiếp từ cha mẹ. Tuy nhiên, do tính chất thân mật của loại giao tiếp chủ yếu dùng từ, cụm từ này (ít khi dùng câu, đoạn và nhất là các kiểu câu đầy đủ thành phần hoặc câu có cấu tạo phức tạp) nên hay gặp nhất là các lỗi ở cấp độ từ (chính tả, ý nghĩa). Nếu các bậc làm cha làm mẹ dùng từ không đúng nghĩa, không đúng sắc thái, hoặc đơn giản chỉ là phát âm sai (kể cả do đặc trưng ngữ âm địa phương) thì con cháu sẽ tiếp thu chính những sai sót đó. Chỉ đến khi trẻ được tiếp cận với các môi trường học tập khác, trẻ mới có cơ hội thay đổi quan niệm và thói quen dùng sai các từ đó.

* Trong các cơ quan hành chính

Các cơ quan hành chính nhà nước thường ngày cũng xử lí một số lượng lớn các văn bản với nhiều nội dung mục đích khác nhau. Tạm thời không nói tới các biểu mẫu vì đa số chúng đã được soạn thảo và kiểm duyệt rất kĩ càng. Còn lại, dễ dàng để chỉ ra lỗi trong các loại công văn giấy tờ đơn thư khác, cơ quan càng nhỏ, đơn vị càng bé, càng mang tính địa phương thì sai sót càng nhiều mà hầu như không ai để ý hoặc bắt bẻ vì tính chất cục bộ, ít mở rộng và hầu như không ảnh hưởng gì đến lợi ích của cá nhân, tổ chức nào. Tuy nhiên, có hai cơ quan truyền thông lại thường xuyên phạm phải điều tối kị đối với nghề nghiệp của mình, đó là các trang báo và các bài phóng sự trên truyền hình. Các lỗi thường gặp nhất tổng hợp được từ báo chí là: lạm dụng viết tắt và viết tắt tùy tiện gây khó hiểu cho người đọc, thiếu nhất quán trong cách ghi tên riêng nước ngoài hoặc các từ vay mượn, dùng từ thiếu chính xác (nhất là các từ Hán Việt). Chẳng hạn, tờ Đại Đoàn Kết năm thứ 70 có đăng bài “Phối hợp nâng cao chất lượng cuộc vận động TDĐKXDĐSVHƠKDC trong giai đoạn mới”. Đoạn viết tắt trên vốn là tên một cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động trên toàn quốc, về lí thuyết, ai ai cũng biết rồi nên không cần viết rõ từng chữ (nhất là trong tình thế phải tối giản nhan đề bài báo) nhưng trên thực tế lại làm rối mắt độc giả, luận mãi mới đọc được (“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”). Về phía truyền hình, lại có quá nhiều sai sót, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khán thính giả. Lỗi phổ biến ở các chương trình truyền hình, các bài phóng sự rất đa dạng, cả về từ, câu, mạch lạc,… Ở cấp độ từ, các biên tập viên thường gặp lỗi dùng từ thiếu chính xác về nghĩa. Một sai sót bị bàn tán khá nhiều trong thời gian quan là trường hợp biên tập viên Phương Thảo nhắc đi nhắc lại từ “ấn tượng” (ba lần trong ít phút) trong một ngữ cảnh không phù hợp: “Một tuần sau trận động đất lịch sử, số người thiệt mạng tại Nepal đã tăng lên hơn 6.620 người. Bản tin 17h hôm nay sẽ điểm lại những con số ấn tượng trong thảm họa kinh hoàng này”; “Chúng ta sẽ cùng nhìn lại những con số ấn tượng về sức tàn phá kinh hoàng của trận động đất lịch sử tại Nepal” và cuối bản tin là “Vâng đúng là những con số rất ấn tượng” (bản tin thời sự quốc tế ngày 02/05/2015 trên VTV1). Ở cấp độ câu, rất nhiều câu sai cú pháp, phổ biến nhất là loại câu nhầm lẫn trạng ngữ và chủ ngữ dẫn đến câu thiếu chủ ngữ. Chẳng hạn: “Theo khảo sát mới đây của các nhà nghiên cứu, cho thấy nạn tự tử ở Nhật Bản ngày càng…” (Chào buổi sáng, VTV1, 14.9.2010). Ví dụ khác: “Từ những đêm trăng thật yên ả nơi quê hương ta, ở đó có hàng cây xõa tóc dưới ánh trăng bàng bạc, ở đó có những cánh cò chao nghiêng trong lời ru của mẹ, ở đó có sân đình bến nước và cả tuổi thơ không bao giờ trở lại…” (Tác phẩm mới: Đêm trăng lời ru, VTV1). Không hiểu sao các biên tập viên trong các phóng sự lại rất ưa dùng những cấu trúc khuyết chủ ngữ này (hầu như ở bất kì phóng sự truyền hình nào, khán giả cũng có thể nghe thấy các dạng câu “Với…, đã…”, “Qua…, đã…”. Nếu là chương trình phát sóng trực tiếp thì có thể thông cảm cho người dẫn chương trình, nhưng đã là phóng sự tức là đã được chuẩn bị từ trước và chắc chắn đã được ban biên tập phê duyệt thì vì sao vẫn sai? Phải chăng người ta không biết đó là lỗi ngữ pháp? Về phương diện mạch lạc, lỗi tất yếu khó tránh khỏi đối với các phát thanh viên, người dẫn chương trình khi ghi hình trực tiếp là sự thừa thãi các từ đệm (cái, vâng, mà, à vâng, phải không ạ,…) hay sự trùng lặp các liên từ (). Ở mức độ nhẹ nhất, các lỗi này gây tâm lí ức chế khó chịu, thậm chí là “chối tai” với số ít khán thính giả có trình độ tiếng Việt tốt. Nghiêm trọng hơn, nó ảnh hưởng đến cách diễn đạt của rất đông người xem truyền hình, đặc biệt là trẻ em.

* Ngoài xã hội

– Sai sót dễ dàng nhận thấy nhất là lỗi ở các biển quảng cáo của các cơ sở kinh doanh tư nhân Lỗi sơ đẳng và phổ biến nhất là lỗi chính tả (nhầm lẫn dấu hỏi, dấu ngã, âm cuối t/ c, n/ ng, âm đầu ch/tr, d/r,…). Chẳng hạn: “Nghĩ trọ”, “Ốt hút”, (Ốc hút), “Gữi xe”, “Sữa chữa xe máy”,… Thậm chí là biển báo, biển hiệu của nhà nước cũng sai: tên đường “Nguyễn Trải”, “đoạn đường thường sảy ra tai nạn”,… Đây là lỗi dễ bị phát hiện và dễ gây phản cảm do hình thức thể hiện của các tấm biển là chữ viết và chúng thường xuyên “đập vào mắt” người qua đường. Lỗi thứ hai khó phát hiện hơn là lỗi ngữ pháp. Chẳng hạn: “Xay bột trẻ em” (Xay bột cho trẻ em), “Cửa hàng thịt tươi sống Phụ Nữ”, “Cửa hàng chất đốt Thanh Niên”, “Cửa hàng May đo Thiếu nhi”,… Cái cảm giác phản cảm của người dân có thể cũng không quá quan trọng vì nó không làm giảm hiệu suất kinh doanh của các cửa hàng nhưng chúng có thể ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chính tả của các bạn học sinh. Loại lỗi thứ ba chỉ xuất hiện ở một số tấm biển “song ngữ” với nhiều lỗi sai ở phần tiếng Anh: sai chính tả (welcom/wellcom – welcome, crap – crab,…), sai từ,… Xét trên bình diện văn hóa, ấn tượng của khách du lịch đối với tiếng Việt sẽ giảm sút rất nhiều khi chứng kiến nhan nhãn những “tấm biển lỗi” như thế trên khắp chiều dài đất nước Việt Nam, từ thành phố lớn đến các vùng quê hẻo lánh.

– Nhược điểm lớn nhất của hầu hết người Việt là viết các loại đơn từ. Ngoài các lỗi không nghiêm trọng như không viết hoa tên riêng, viết tên sai dấu (hỏi/ngã, sắc/nặng), đa số người dân đều lúng túng khi phải viết một lá đơn, đặc biệt là khi không có sẵn mẫu. Đây là kĩ năng sơ đẳng trong cuộc sống, dù không phải sử dụng nó hàng ngày, nhưng lúc cần lại không thể tự tay viết, mặc dù không phải không biết chữ, phải nhờ người “có chữ” viết hộ (Nếu là văn cúng thì lại là chuyện khác). Trường hợp liên quan đến các chuyện đời tư, bí mật cá nhân, chắc chắn người dân cũng cảm thấy bất tiện.

1.2. Thực trạng dạy tiếng Việt ở các cấp học

Nhìn lại cấu trúc chương trình môn Văn Tiếng Việt các cấp học, có thể khẳng định đó là chương trình khoa học, có hệ thống, có sự liền mạch giữa các lứa tuổi, đủ về chất (có sự phân bố hợp lí về nội dung kiến thức theo trình độ tăng dần ở các lớp) và lượng (thời gian dành cho từng nội dung). Chứng tỏ những nhà biên soạn sách giáo khoa đã rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo chuẩn chính tả, từ vựng và ngữ pháp cho học sinh. Cụ thể:

* Tiểu học

Lớp 1: đã học các qui tắc chính tả c/k, g/gh, ng/ngh. Lớp 2: học qui tắc viết hoa tên riêng và chữ đầu câu, phân biệt l/n, n/ng, t/c, d/r, hỏi/ngã,… Lớp 3: học qui tắc viết tên riêng nước ngoài. Nhưng thực tế là các nhà báo (trình độ tối thiểu là cử nhân vẫn viết tên riêng nước ngoài tùy tiện, thiếu thống nhất). Viết đơn theo mẫu. Từ lớp 4 đã bắt đầu học về từ Hán Việt. Lớp 5: tập viết đơn, báo cáo thống kê, biên bản. Về ngữ pháp, ở Tiểu học, học sinh đã được dạy về các kiểu câu, các loại dấu câu.

* Trung học

Lớp 6, 7, 8, 9 tiếp tục học từ Hán Việt, sửa lỗi dùng từ và lỗi ngữ pháp. Điểm đáng chú ý là phần rèn luyện cách tạo lập đơn thông dụng, nghĩa là từ 13 tuổi, chúng ta hiển nhiên phải viết thành thạo các loại đơn đơn giản. Vậy mà viết đơn vẫn là công việc khá khó khăn với rất nhiều người. Theo yêu cầu về chuẩn kiến thức, kĩ năng, học sinh tối thiểu phải nhớ được nghĩa của 50 x 4 = 200 yếu tố Hán Việt thông dụng xuất hiện trong Sgk Tiếng Việt 6,7,8,9.

* Trung học phổ thông (THPT)

Ở THPT, học sinh không còn học các kiến thức cơ bản về tiếng Việt nữa, ngoài 2 tiết ít ỏi về loại hình tiếng Việt.

Đáng chú ý là cuối các Sgk từ lớp 6 đến 12 đều có phần hệ thống và giải thích nghĩa các từ Hán Việt trong sách. Đây có thể coi là một nỗ lực đáng ghi nhận của các chuyên gia ngôn ngữ và các nhà làm sách. Tuy nhiên, phải đến 90% học sinh không để ý đến phần này, khiến cho việc làm công phu và chứa đựng nhiều tham vọng của người biên soạn sách đã thất bại. Lí do là vì tâm lí chung của học sinh là sẽ không học và không sử dụng những phần không phải soạn bài, không bị kiểm tra bài cũ và không liên quan đến thi cử. Thiết nghĩ, giáo viên phải tích hợp cả phần này vào bài học, vào quá trình đọc hiểu để giới thiệu và kích thích sự ham học của học sinh, thậm chí có thể phải có những bài tập liên quan để phần giải thích đó không trở thành nội dung thừa thãi vô dụng một cách uổng phí trong sgk.

* Đại học

Khoa Văn, Khoa Ngôn ngữ các Trường cao đẳng, đại học là cái nôi đào tạo giáo viên dạy tiếng Việt và thực tế thời lượng chương trình dành cho các môn ngôn ngữ là không ít. Chẳng hạn, chương trình của Khoa Văn trường Đại học Sư phạm: khoảng 15 tín chỉ, trong đó 2tc Thực hành văn bản tiếng Việt, 2tc Dẫn luận ngôn ngữ, 3 tc Ngữ âm từ vựng, 4 tc Ngữ pháp, 2tc Phong cách học, 2tc Ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp. Chương trình của Khoa Ngôn ngữ thì nặng các môn chuyên ngành hơn, nên sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn sâu hơn. Các khoa giáo dục mầm non, tiểu học cũng có các môn tiếng Việt mặc dù không chuyên sâu lắm.

2. Nguyên nhân

Việc người dân một đất nước gặp lỗi chính tả hay ngữ pháp khi sử dụng tiếng mẹ đẻ là một hiện tượng bình thường trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở mỗi Việt Nam. Thực trạng này có nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.

Xét ở khía cạnh chủ quan, lỗi chính tả xuất phát từ ý thức thấp về việc viết đúng chính tả, người ta chỉ viết theo thói quen phát âm chứ không tuân theo quy tắc. Bởi vì, từ bậc tiểu học, học sinh đã phải hoàn thành mục tiêu tối thiểu đọc thông viết thạo tiếng Việt, trong đó, tiêu chí cơ bản nhất là đúng chính tả. Nhìn vào thực trạng sử dụng tiếng Việt, có thể khẳng định mục tiêu trên của chương trình đã không đạt được. Hệ lụy của nó là những lỗ hổng về kiến thức chính tả vẫn theo học sinh lên trung học, nhưng xét trên khung chương trình đào tạo, ở cấp này học sinh được dạy những kĩ năng cao hơn trong sử dụng tiếng Việt, không có thời gian để sửa chữa những lỗ hổng cấp dưới. Như vậy, nếu học sinh đã không nắm được qui tắc chính tả, ngữ pháp thì sẽ không hoặc rất ít cơ hội được dạy lại, trừ phi tự giác vận động hoặc có sự phát hiện và uốn nắn từ tác nhân bên ngoài (gia đình, thầy cô, bè bạn,…). Lỗi chính tả thường có tỉ lệ cao ở những người ít học và giảm dần ở tầng lớp trí thức. Những người đi nhiều vùng miền, giao lưu ngôn ngữ nhiều sẽ ít sai chính tả hơn người không ra khỏi địa bàn cư trú của mình.

Xét ở khía cạnh khách quan, có ba lực lượng phải nhận trách nhiệm về những thiếu sót về lỗi của người Việt khi sử dụng tiếng Việt: một là giáo viên, hai là gia đình và ba là sự dung túng của thói quen. Có thể là không thật sự công bằng khi đổ lỗi cho giáo viên, nhưng lực lượng này lại có vai trò quyết định đến độ chuẩn xác trong chính tả, ngữ pháp và dùng từ của học sinh. Nếu từ bậc mầm non, tiểu học, các thầy cô giáo đã phát hiện và chỉ ra lỗi sai của trẻ, đồng thời nghiêm khắc yêu cầu trẻ phải viết đúng chữ, đúng câu, ngắt nghỉ đúng chỗ, dùng đúng từ,… thì sẽ không có quá nhiều lỗ hổng trong kiến thức tiếng Việt của con em khi lên trung học, thậm chí đại học và công tác sau khi tốt nghiệp. Điều này tự thân cũng có hai lí do. Một phần xuất phát từ sự thiếu triệt để trong chủ trương giáo dục ở các cấp học. Chính vì thế, chưa bao giờ các thầy cô giáo cảm thấy việc học sinh sai chính tả, ngữ pháp, dùng từ không đúng nghĩ là không thể chấp nhận được; coi việc sửa lỗi cho học sinh là vấn đề bức thiết. Hai nữa là từ quá trình đào tạo giáo viên dạy ngữ. Có một nghịch lí là những người dạy ngữ không phải là người giỏi về tiếng Việt nhất mà chỉ được đào tạo ở trình độ đại trà do tỉ lệ cử nhân tốt nghiệp các khoa ngôn ngữ (được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu) theo nghề giáo viên thấp. Thậm chí, giáo viên mầm non và tiểu học, trung học cơ sở là những người trực tiếp rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng mẹ đẻ cho học sinh lại cũng không phải là người vững vàng về ngôn ngữ. Một hiện thực trớ trêu ở nước ta là có một khoảng cách mênh mông giữa nhà nghiên cứu với thực tiễn. Cho nên Sgk thì khoa học mà học sinh vẫn không giỏi; cải cách phương pháp dạy rồi cải cách Sgk, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thường xuyên vẫn không mấy chuyển biến. Vì chìa khóa giải quyết sự kém cỏi về năng lực tiếng Việt của học sinh vẫn nằm ở giáo viên. Giáo viên không có cơ bản hoặc không ý thức được tầm quan trọng của kiến thức nền tảng thì những thế hệ học trò cũng tương tự.

Qua đó có thể khẳng định, những lỗi người Việt mắc phải trong khi sử dụng tiếng Việt không xuất phát trực tiếp từ chương trình giáo dục không phù hợp hoặc thiếu kĩ lưỡng mà nằm chủ yếu ở hai đối tượng thực hiện chương trình là người dạy và người học. Về tâm thế, cả hai đối tượng này đều không thực sự coi trọng việc dạy và học tiếng Việt, hoặc không đánh giá được hết tầm quan trọng của các kĩ năng sử dụng tiếng Việt đối với đời sống.

Thêm vào đó, việc gia đình thiếu chọn lọc từ ngữ trong giao tiếp cùng với sự thiếu quan tâm đến trình độ ngôn ngữ của con em đã có những tác động tiêu cực đến trẻ, khiến trẻ dùng từ không chuẩn và không có ý thức về tầm quan trọng của việc nói và viết đúng quy tắc.

Cuối cùng, thói quen cũng là một tác nhân khiến cái sai của người Việt ngày càng nhân rộng. Một thói quen xấu thì bị gọi là “tật”. Tâm lí dùng từ theo số đông, “ăn theo” người dùng trước cùng thói quen không tra cứu nghĩa của từ khiến người Việt rất dễ dùng sai từ và khó sửa chữa, sai lâu thành ra đúng.

3. Giải pháp

Từ thực trạng nhức nhối trong sử dụng tiếng Việt trên, dễ dàng nhận ra giải pháp của vấn đề ô nhiễm tiếng Việt phải mang tính đồng bộ, hệ thống, toàn diện trên các phạm vi và lĩnh vực, bắt đầu từ gia đình, nhà trường đến các cơ quan và trên toàn xã hội. Đi đầu phải quán triệt quan điểm giáo dục đề cao việc giữ gìn bản sắc tiếng Việt, khắc phục lỗi chính tả, dùng từ đúng nghĩa và đúng phong cách, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trước nạn ô nhiễm các yếu tố ngoại lai.

Trong gia đình, bố mẹ luôn phải làm gương cho con cái về cách sử dụng tiếng Việt, kịp thời uốn nắn cho con trẻ những lỗi sai đơn giản nhất, thường là chính tả và cách dùng từ. Muốn thực hiện được điều đó, bản thân các bậc phụ huynh cũng tìm cách tự khắc phục những sai sót của bản thân, thậm chí phải tự trang bị từ điển tiếng Việt, từ điển Hán Việt để có thể giải đáp các thắc mắc của mình mọi lúc mọi nơi. Đồng thời, để thu hẹp khoảng cách với con cái, các bậc làm cha làm mẹ cũng chủ động tìm và hiểu ngôn ngữ giới trẻ hiện nay, không để chữ viết trở thành vật cản trong tình cảm gia đình.

Trong nhà trường, chỉ cần giáo viên chú trọng thời gian hơn đối với những lỗi sơ đẳng trong diễn đạt của học sinh, học sinh sẽ tự giác nhận thức điểm yếu của mình để dần khắc phục. Áp dụng việc dạy chính tả, ngữ nghĩa một cách nghiêm túc, kỉ luật từ bậc tiểu học. Giáo viên phải thực sự lưu ý đến lỗi chính tả của học sinh và bắt buộc học sinh viết đúng chính tả (chỉ áp dụng ở chữ viết chứ không phải phát âm). Trên cơ sở khung chương trình cố định, giáo viên cần linh hoạt trong phân phối thời gian và kiến thức phù hợp với lỗi thường gặp của học sinh mình giảng dạy để nâng cao hiệu quả. Tùy theo đặc thù từng địa phương mà giáo viên nhấn mạnh đến các lỗi chính tả dễ gặp chứ không nhất nhất phải cứng nhắc theo chương trình sgk. Chẳng hạn, ở địa phương Bắc Bộ, chú trọng phát hiện và giúp học sinh khắc phục các lỗi nhầm lẫn phụ âm đầu l/n, tr/ch, r/d, s/x; khu vực miền Trung Tây Nguyên chú trọng các lỗi về âm cuối n/ng, t/c, s/x, đặc biệt là các dấu hỏi/dấu ngã; khu vực Nam Bộ cần chú ý nhiều loại lỗi hơn từ âm đầu tr/ch, r/d, s/x, d/v, qu/h/gh; âm cuối n/ng, t/c, s/x đến các dấu hỏi/dấu ngã.

Thiết nghĩ, chỉ cần những điều chỉnh hợp lí, kịp thời ở gia đình và nhà trường, chắc chắn thực trạng sử dụng tiếng Việt của người Việt sẽ cải thiện tích cực, vì đây là hai môi trường sử dụng và phát triển ngôn ngữ nhiều nhất của mỗi người từ nhỏ đến khi bước ra xã hội. Một khi có nền tảng tri thức và ý thức vững chắc, chúng ta sẽ tự tin sử dụng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ có chọn lọc, không lệch lạc về tư tưởng kể cả khi họ dùng tiếng Việt theo kiểu viết tắt hoặc giản lược cho hợp thời.

Ngoài ra, trên thực tế, đã có những biện pháp khắc phục lỗi chính tả do phát âm địa phương rất đáng học tập. Theo kiến văn của chúng tôi, trong khoảng hai chục năm nay, một số đài phát thanh truyền hình địa phương đã có những nỗ lực đáng ghi nhận trong việc góp phần chuẩn hóa chính tả cho bà con. Chẳng hạn, toàn bộ các chương trình của Đài phát thanh truyền hình Nghệ An (NATV) đều phát bằng giọng chuẩn Bắc Bộ. Hoặc, Đài Truyền hình Quảng Bình (QBTV) đã yêu cầu các phát thanh viên phải thể hiện được sự phân biệt giữa các tiếng mang dấu hỏi – ngã vốn là nhược điểm lớn nhất về chính tả của tỉnh nhà so với âm phổ thông. Tuy nhiên, khác với nhà đài Nghệ An, QBTV vẫn giữ nguyên giọng quê với cách phát âm đặc trưng của người Quảng Bình.

Đối với lỗi dùng từ, chủ yếu là từ Hán Việt, cũng phải đầu tư vào cái gốc của vấn đề, chính là quan điểm coi việc dạy từ Hán Việt là một yêu cầu bắt buộc và thường xuyên trong các giờ học Văn, Tiếng Việt ở các bậc học từ tiểu học đến đại học. Ở tiểu học, nhận thức của học sinh còn hạn chế nên có thể chưa đi sâu. Bắt đầu từ trung học cơ sở, ở các tiết học môn Ngữ văn, cần thực sự rèn luyện cho học sinh kĩ năng hiểu và dùng từ Hán Việt hợp lí. Ở đại học, chủ yếu là các khoa Văn, khoa Ngôn ngữ, khoa Báo chí,…, cần đưa vào chương trình các học phần liên quan đến từ Hán Việt, qua đó cung cấp cho sinh viên không chỉ vốn từ phong phú, cách tra cứu các từ điển Hán Việt, mà còn truyền cách thức giải nghĩa từ ngay cả khi không có từ điển. Đây là những kiến thức và kĩ năng quan trọng để sinh viên làm chủ được ngôn ngữ của mình trước khi hướng dẫn lại học sinh trong nhà trường và con em trong gia đình.

Cuối cùng, có thể khẳng định, để khắc phục được những sai sót trong chính tả và dùng từ, chúng ta cần tập trung đào tạo những nguồn giáo viên chất lượng cao thay vì sản xuất hàng loạt ồ ạt lượng giáo viên như hiện nay. Hơn nữa, cần có sự điều chỉnh trong chương trình đào tạo ở các ngành lịch sử, báo chí, sư phạm ngữ văn, giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, chú trọng hơn nữa các học phần về ngôn ngữ và Hán Nôm. Cụ thể, cần khôi phục lại học phần Lịch sử tiếng Việt đã bị bỏ đi ở khung chương trình một số trường đại học, nhất là ở các bộ môn khoa học xã hội. Đây là học phần vô cùng quan trọng đối với sinh viên vì nó cung cấp cho người học không những kiến thức cơ bản về tiếng Việt; cách thức tra cứu thông tin liên quan đến tiếng Việt mà còn nâng cao cả ý thức trân trọng nguồn gốc và yêu mến tiếng mẹ đẻ vốn là nhân tố quyết định thành bại của việc dạy tiếng Việt của các cá nhân này sau khi ra trường, ở gia đình riêng hay ở nơi làm việc. Ở các Khoa đào tạo giáo viên dạy tiểu học và mầm non cũng cần có các học phần cơ sở về tiếng Việt như Tiếng Việt thực hành, thậm chí còn phải dạy cả Ngữ âm, từ vựng tiếng Việt.

*

Một tiếng Việt thuần khiết trước hết là sự trân trọng, tri ân với tổ tiên, những người đã không ngừng đấu tranh giữ gìn toàn vẹn tiếng nói dân tộc qua bao kiếp nạn đồng hóa trong giai đoạn Bắc thuộc và Pháp thuộc. Một tiếng Việt không hỗn tạp nhiều ngôn ngữ là di sản, là món quà vô giá dành tặng muôn thế hệ người Việt Nam như bản sắc văn hóa đầu tiên trao tặng cho những người con khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Một tiếng Việt đứng vững trước cơn bão hội nhập là niềm tự hào, niềm vinh dự, là biểu tượng đầy kiêu hãnh của một dân tộc kiên định, có bản lĩnh và giàu cá tính. Một tiếng Việt “trong sáng” không lẫn lộn với bất kì ngôn ngữ nào khác là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.

Giới trẻ hiện nay đang cải tiến tiếng Việt theo hướng có lợi cho thời gian và tiền bạc của họ, nhưng lại làm tăng khoảng cách yêu thương, trân trọng giữa con người với con người, càng xa dần nguồn cội và sẽ đến lúc họ nhận ra mình đang mất gốc như thế nào khi họ trở nên xa lạ, lạc lõng với gia đình, với ông bà, với quê hương. Một tiếng “ba” sẽ thân thương biết bao so với tiếng “bố”, một tiếng “chào” sẽ gần gũi hơn hai tiếng “bai bai”. Một đứa trẻ vẫn tình cảm hơn, có lòng với cố hương hơn nếu lớn lên giữa nguồn suối mát lành của những câu ca dao dân ca, những lời hát ru ngọt ngào bình dị,…

Chúng ta có thể học nhiều ngoại ngữ để mưu cầu tài lợi, nhưng để không đánh mất bản ngã, hay giá trị bản thân, thì phải giữ gìn tiếng nói, gạn đục khơi trong cho tiếng mẹ đẻ của mình.

ThS. Võ Thị Ngọc Thúy

Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét