Các cuộc điều tra gần đây về các cần cẩu chuyển hàng do Trung Quốc chế tạo được sử dụng tại các cảng trên khắp nước Mỹ cho thấy trong số đó có những chiếc được gắn thiết bị liên lạc có khả năng truy cập từ xa, gây ra một mối đe dọa cho an ninh quốc gia. Phản ứng trước các nỗ lực gián điệp của Trung Quốc trong quá khứ và hiện tại, các nhà lập pháp đang nêu lên các mối lo ngại với chính phủ Tổng thống Biden, trích dẫn các mối đe dọa tấn công tiềm tàng vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Hoa Kỳ.
Một cuộc điều tra của Quốc hội về các cần cẩu chuyển hàng do Trung Quốc chế tạo được đặt ở nhiều cảng khác nhau trên khắp đất nước cho thấy những cần cẩu này được trang bị thiết bị liên lạc, một số trong đó không trợ giúp cho các hoạt động thường xuyên nhưng có thể được truy cập từ xa. Phát hiện này làm dấy lên mối lo ngại rằng thiết bị do Trung Quốc sản xuất có thể đe dọa an ninh các cảng của Hoa Kỳ.
Những chiếc cần cẩu lớn này là sản phẩm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Nặng Thượng Hải Chấn Hoa (Shanghai Zhenhua Heavy Industries Co., Ltd.) và đang được sử dụng ở 80% các cảng của Hoa Kỳ. Ngũ Giác Đài và các quan chức tình báo lo ngại về các hoạt động gián điệp và can thiệp tiềm tàng xuất phát từ những cần cẩu này.
Dân biểu Mark Green, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, đưa ra cảnh báo: “[Chế độ Trung Quốc] đang tìm mọi cơ hội để thu thập thông tin tình báo có giá trị và đặt mình vào vị trí khai thác các lỗ hổng bằng cách thâm nhập một cách có hệ thống vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực hàng hải.”
Người ta cũng ngày càng lo ngại rằng tin tặc Trung Quốc đã chuẩn bị trước để phá hoại cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra các cuộc xung đột thù địch.
Để loại bỏ những rủi ro như vậy, tháng trước, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố một kế hoạch đầu tư vào Mitsui & Co. (Hoa Kỳ), công ty con thuộc Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản, để thay thế các cần cẩu do Trung Quốc sản xuất tại các cảng của Mỹ.
Hôm 31/01, Giám đốc FBI Christopher Wray đã báo cáo trước Quốc hội rằng tin tặc Trung Quốc thường xuyên nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở Hoa Kỳ, bao gồm lưới điện, cơ sở xử lý nước, và hệ thống giao thông, và rằng Trung Quốc đang tìm cách “tàn phá và gây ra những thiệt hại thực sự cho công dân và các cộng đồng Mỹ, nếu hoặc khi Trung Quốc quyết định đã đến lúc tấn công.”
Đánh cắp công nghệ tân tiến
Các phương pháp đánh cắp bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không chỉ giới hạn ở việc tấn công mạng mà còn bao gồm các chiến thuật gián điệp truyền thống.
Hôm 06/03, Bộ Tư pháp thông báo rằng ông Linwei Ding, cựu kỹ sư phần mềm của Google và là công dân Trung Quốc, đã bị buộc tội đánh cắp các bí mật thương mại AI của Google trong quá trình hợp tác bí mật với hai công ty Trung Quốc.
Tổng Chưởng lý Merrick Garland đã công bố bản cáo trạng này tại hội nghị Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ ở San Francisco. Theo cáo trạng do Tòa án Địa hạt Bắc California công bố, ông Ding được Google tuyển dụng vào năm 2019 và có quyền truy cập vào thông tin bí mật từ các trung tâm dữ liệu siêu máy điện toán của công ty. Hai năm trước, ông đã tải hàng trăm tệp lên trương mục Google Cloud cá nhân của mình, và vào cuối năm ngoái, ông đã thôi việc ở Google.
Các công tố viên tiết lộ rằng vài tuần sau vụ trộm cắp dữ liệu này, ông Ding trở thành giám đốc công nghệ của một công ty khởi nghiệp về công nghệ của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Ding còn thành lập một công ty khởi nghiệp liên quan đến AI ở Trung Quốc, giữ chức vụ Giám đốc điều hành của công ty này.
Hồi tháng Một, FBI đã đột kích nơi ở của ông Ding, thu giữ các thiết bị điện tử và các trương mục cá nhân của ông, trong đó có hơn 500 tệp thông tin bí mật duy nhất bị đánh cắp từ Google.
Rủi ro tiềm ẩn từ xe điện Trung Quốc
Xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của ĐCSTQ và hiện đang được xuất cảng trên toàn thế giới. Do hàm lượng công nghệ cao của những chiếc xe này, nên chúng gây ra rủi ro an ninh cho Hoa Kỳ, làm dấy lên nhiều lo ngại.
Tòa Bạch Ốc đã chỉ thị cho Bộ Thương mại tiến hành một cuộc điều tra rủi ro an ninh quốc gia đối với “các loại xe được kết nối” do Trung Quốc sản xuất. Các quan chức Tòa Bạch Ốc nói rằng công nghệ xe điện, vốn dựa vào Internet để khai triển các công cụ định vị và hệ thống lái tự động, không chỉ có thể được sử dụng như một công cụ gián điệp mà còn có thể dẫn đến tê liệt giao thông. Sau khi được kết nối với các thiết bị điện tử cá nhân như điện thoại di động, các phương tiện khác, nhà sản xuất xe hơi, và cơ sở hạ tầng, thì những chiếc xe điện này sẽ gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho biết trong một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức hôm 28/01, “Một chiếc xe điện tinh vi, và sau đó là một chiếc xe tự hành, chứa đầy hàng ngàn khối bán dẫn và cảm biến. Thiết bị này thu thập một lượng lớn thông tin về người lái xe, vị trí của xe, và môi trường xung quanh xe.”
Bà cho rằng nếu Trung Quốc có được những thông tin như vậy trên quy mô lớn thì việc này sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho an ninh và quyền riêng tư của công dân Mỹ.
Nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc Great Wall Motor (GWM) trưng bày mẫu xe điện nhỏ gọn mới “ORA Good Cat 03” trong Triển lãm Xe hơi Quốc tế Gaikindo Indonesia (GIIAS) lần thứ 30 tại Triển lãm Hội nghị Indonesia (ICE) ở Tangerang, vào ngày 10/08/2023. (Ảnh: Yasuyoshi Chiba/AFP qua Getty Images)
Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích “các hoạt động kinh tế không công bằng” của Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang hôm 07/03, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hạn chế xuất cảng công nghệ tân tiến của Hoa Kỳ sang Trung Quốc.
Hôm 06/03, Bộ Ngoại giao đưa ra một tuyên bố cho biết Hoa Kỳ đã đồng ý kéo dài thời hạn thêm sáu tháng nữa đối với “Hiệp định Hợp tác Khoa học và Công nghệ Hoa Kỳ-Trung Quốc (STA)” đã hết hạn nhưng không cam kết kéo dài thời hạn lâu hơn. Trong thời gian này, Hoa Kỳ sẽ cố gắng đưa ra những sửa đổi đối với thỏa thuận này.
Vào tháng Sáu năm ngoái (2023), Dân biểu Mike Gallagher, Chủ tịch Lực lượng Đặc nhiệm Trung Quốc của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện, và 10 nghị sĩ Đảng Cộng Hòa khác của Quốc hội đã gửi một bức thư cho Ngoại trưởng Anthony Blinken, chỉ ra sự tích hợp công nghệ quân sự và dân sự của ĐCSTQ cũng như cách STA bị ĐCSTQ lợi dụng để đẩy mạnh các mục tiêu quân sự của mình. Bức thư thúc giục chính phủ Tổng thống Biden chấm dứt thỏa thuận này.
STA được ký kết hơn bốn thập niên trước để hợp tác và trao đổi khoa học và công nghệ. Đây là thỏa thuận hợp tác chính thức đầu tiên được ký kết giữa hai nước. Thỏa thuận có thời hạn năm năm và có thể gia hạn khi hết hạn. Lần gia hạn gần đây nhất là vào năm 2018 và hết hạn vào ngày 27/08/2023. Kể từ đó, Hoa Kỳ đã quyết định không gia hạn toàn diện thỏa thuận mà chỉ kéo dài thời hạn thêm một thời gian ngắn. Đây là lần kéo dài thời hạn thứ hai.
Trung Quốc tiến hành “Phi Mỹ hóa”
Trong bối cảnh Hoa Kỳ chống lại sự xâm nhập của ĐCSTQ, thì ĐCSTQ vẫn tiếp tục tiến trình xâm nhập đa dạng của mình. ĐCSTQ cũng cố gắng tách rời khỏi một số lĩnh vực công nghệ cao nhất định ở Hoa Kỳ. Tài liệu được tiết lộ gần đây của ĐCSTQ từ năm 2022 là một ví dụ như vậy. Tài liệu này yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc loại bỏ các phần mềm văn phòng và phần mềm liên lạc do Hoa Kỳ sản xuất, còn được gọi là “phi Mỹ hóa.”
Theo những người trong cuộc, hồi tháng 09/2022, Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Văn kiện số 79, yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh trong lĩnh vực tài chính, năng lượng, và các ngành khác phải thay thế phần mềm ngoại quốc trong hệ thống công nghệ thông tin của họ vào năm 2027.
Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ đang áp đặt các lệnh trừng phạt và thắt chặt hạn chế xuất cảng vi mạch bán dẫn cho các công ty công nghệ Trung Quốc.
Các sản phẩm ngoại quốc bị nhắm mục tiêu cho việc loại bỏ bao gồm phần cứng từ các nhà sản xuất như Dell, IBM, và Cisco. Do vậy, hầu hết thiết bị của các công ty này đã được thay thế bằng sản phẩm của Trung Quốc.
Trong nhiều năm, ĐCSTQ đã thúc đẩy khả năng tự cung tự cấp từ công nghệ cao đến các đồ thiết yếu hàng ngày, qua đó giảm sự phụ thuộc vào phương Tây. Các ứng dụng phần mềm trong hệ thống công nghệ thông tin là một trong những thành lũy cuối cùng mà các công ty Mỹ kiếm được lợi nhuận ở Trung Quốc. Kết quả là các công ty như Microsoft và Oracle đang dần mất đi lợi thế ở Trung Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét