Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

Nạn Nhân Sống Sót Sau Bạo Lực Gia Đình, Đi Về Đâu?

 

“Nhà” của người vô gia cư. Hình chụp tại Orange County. (Hình: Đ.Trang)

NẠN NHÂN SỐNG SÓT SAU BẠO LỰC GIA ĐÌNH, ĐI VỀ ĐÂU?

Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng vô gia cư, mà ngày càng có nhiều phụ nữ lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất” như vậy.

Nhân thấy tình trạng ngày càng nhiều, và những nạn nhân đa số là phụ nữ, Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiêu Số (Ethnic Media Services-EMS) mời những người ủng hộ việc chống bạo lực gia đình để thảo luận về vấn đề này vào ngày 16 Tháng Hai.

“Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng trước bởi Sáng Kiến Nhà Ở Và Vô Gia Cư Benioff (Benioff Homelessness and Housing Initiative) của University of California San Francisco (UCSF) cho thấy nguyên nhân của ít nhất 17% người vô gia cư là vì bạo lực do bạn tình gây ra,” nhà báo Sunita Sohrabji thuộc EMS mở đầu cuộc họp qua Zoom. “Nạn nhân phải đối mặt với nhiều rào cản như thiếu nguồn tài chính, có thể bị trục xuất do cảnh sát xuất hiện thường xuyên và nhất là không có tiền xài.”

Tại cuộc họp, các diễn giả thảo luận về việc bạo lực gia đình thường dẫn đến tình trạng vô gia cư như thế nào, những phát hiện của nghiên cứu UCSF và sự gia tăng bạo lực gia đình trong hai năm qua ở New York.

Tiến sĩ Anita Hargrave thuộc UCSF cho biết, bạo lực gia đình, còn được gọi là bạo lực bạn tình (IPV) có liên quan đến “bạo lực, lạm dụng hoặc gây hấn do bạn tình cũ hoặc hiện tại gây ra.”

Để hiểu rõ hơn về trải nghiệm của những người sống sót sau IPV hiện đang trải qua tình trạng vô gia cư, Sáng Kiến ​​Nhà Ở Và Vô Gia Cư Benioff phát hành báo cáo phân tích dữ liệu có liên quan từ Tháng Sáu, 2023 trong Nghiên Cứu Toàn Tiểu Bang California Về Những Người Trải Qua Tình Trạng Vô Gia Cư (CASPEH) – một nghiên cứu lớn nhất về tình trạng vô gia cư, tính từ giữa những năm 1990.

Người vô gia cư ở California chiếm 1/3 trong tổng số người vô gia cư trên cả nước. Tặng thực phẩm cho người vô gia cư ở thành phố Westminster, CA. (ảnh: Đ.Trang)

Báo cáo này cho thấy 40% người được hỏi nói sáu tháng trước khi vô gia cư, bạo lực là lý do khiến họ phải rời bỏ nơi ở cuối cùng của mình. Hargrave nói nhiều người sống sót sau IPV báo cáo rằng số tiền hỗ trợ tài chính quá ít khó giúp họ tránh được tình trạng vô gia cư, thậm chí khiến họ còn dễ bị bạo lực hơn, “vì 42% những người IPV sống sót trước tình trạng vô gia cư cũng đã trải qua tình trạng không có nhà ở,” Hargrave cho biết.

73% những người báo cáo về IPV trước khi vô gia cư tin rằng khoản trợ cấp hàng tháng từ $300 đến $500 giúp họ có được chỗ trú thân trong vòng ít nhất hai năm, trong khi 83% tin rằng nếu có được khoản trợ cấp một lần từ $5,000 đến $10.000 sẽ tốt hợn, và 92% tin rằng một phiếu nhà ở sẽ giúp họ đỡ được tiền thuê nhà ở mức 30% thu nhập của họ.

95% số người sống sót cho biết chi phí nhà ở cao là rào cản khiến họ rất khó lấy lại được nhà.

“Nhiều người sống sót sau IPV buộc phải đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn: chịu đựng bị bạo lực tại nhà hoặc có nguy cơ trở thành người vô gia cư,” Hargrave nói. “Bạn không thể giải quyết mối liên hệ giữa IPV và tình trạng vô gia cư mà không giải quyết được nhu cầu về nhà ở lâu dài với giá phải chăng.”

Bạo lực gia đình đặc biệt gia tăng ở New York, nơi 40% phụ nữ và trẻ em ở những nơi tạm trú cho người vô gia cư có liên quan đến IPV.

Jennifer White-Reid, Giám Đốc Viện Tài Nguyên Đô Thị (URINYC), cho biết: “Mặc dù thành phố New York đạt được tiến bộ trong việc giảm các hình thức giết người khác, nhưng các vụ án chết người do bạo lực gia đình vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến nhà ở cho hàng ngàn nạn nhân bạo lực gia đình và người vô gia cư là phụ nữ da đen và gốc Tây Ban Nha.”

Từ năm 2021 đến năm 2022, các vụ giết người do IPV tăng 29% trên toàn thành phố, 225% ở Brooklyn và 57% ở Bronx.

Một khu của người vô gia cư và những người vô gia cư được nhìn thấy ở Tenderloin County của San Francisco. Hình chụp ngày 28 Tháng Tám 2023. (ảnh: Tayfun Coskun/Anadolu Agency via Getty Images)

Jennifer White-Reid, cố vấn cấp cao cho Giám Đốc Điều Hành tại Viện Tài Nguyên Đô Thị ở New York, thảo luận về một số chiến thuật lạm dụng tài chánh và giải thích lý do tại sao đó thường là lý do khiến những người sống sót quay trở lại mối quan hệ lạm dụng.

White-Reid cho biết, chìa khóa để ngăn chặn chu kỳ này là giáo dục, như “các chương trình giáo dục mối quan hệ lành mạnh và ngăn ngừa bạo lực cho thanh thiếu niên cũng như các chương trình giải trình trách nhiệm can thiệp hành vi, dựa trên thông tin về chấn thương cho những nạn nhân.”

Vào Tháng Hai 2023, URINYC ủng hộ việc thông qua dự luật tiểu bang định nghĩa lại bạo lực gia đình theo Luật Nhân Quyền của thành phố New York, bao gồm lạm dụng kinh tế, việc ép buộc nợ và cung cấp cho nạn nhân những biện pháp bảo vệ mở rộng.

Bà giải thích: “Việc lạm dụng kinh tế mà 98% số người sống sót trải qua thường là lý do chính khiến họ ở lại hoặc quay lại với người bạn đời bạo hành họ.”

Hai người vô gia cư ngủ trên sân ga tàu điện ngầm vào ngày 19 Tháng Mười Hai năm 2022 tại Thành phố New York. Số người vô gia cư ở thành phố New York được ước tính là gần 80,000 người. (ảnh: Robert Nickelsberg/Getty Images)

URINYC cũng cung cấp dịch vụ phát triển lực lượng lao động, hỗ trợ việc làm và nhà ở giá cả phải chăng bao gồm Con Người Và Động Vật Sống An Toàn (PALS).

“Chúng tôi biết được rằng 50% số người sống sót sẽ không rời khỏi tình huống nguy hiểm nếu họ không thể mang theo thú cưng của mình,” White-Reid nói. “PALS là chương trình dành riêng duy nhất ở thành phố New York và trong số một số ít trên toàn quốc, cho phép những người sống sót sau bạo lực gia đình sống và chữa lành vết thương cùng với thú cưng của mình, khi họ nỗ lực đạt được sự ổn định kinh tế.”

Desiree Martinez, giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ người vô gia cư We Are NOT Invisible, người từng sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” trong suốt năm năm trời ở Fresno, California từ 2011 đến 2016 do IPV, cho biết: “Tôi chọn ra ngoài sống bờ sống bụi, còn hơn có nhà có cửa mà bị lạm dụng. Lúc ấy tôi bị suy sụp tinh thần ghê gớm, lại vì không có bảo hiểm nên rất cần sự hỗ trợ tại văn phòng sức khỏe tâm thần địa phương, nhưng cuối cùng tới đó tôi lại bị giữ lại, vì họ cho rằng tôi đang gặp nguy hiểm.”

Hàng trên, từ trái: Sunita Sohrabji, Anita Hargrave. hàng dưới, từ trái: Jennifer White-Reid, Desiree Martinez. (Hình chụp qua Zoom)

“Các đường dây nóng quốc gia hướng dẫn tôi ‘gõ cửa’ các cơ quan của quận hạt, tuy nhiên sự hỗ trợ của địa phương còn hạn chế, ngay cả một chiếc giường ở nơi trú ẩn bạo lực gia đình cũng thiếu, do số người vô gia cư nhiều quá.

Martinez thừa nhận phụ nữ mà phải sống vất vưởng trên đường phố là điều đặc biệt nguy hiểm. “Ở Quận Fresno có rất nhiều hoạt động buôn bán tình dục, rất nhiều ma túy. Bạn phải thức suốt đêm để không bị cưỡng hiếp. Bạn không có nơi nào để thay đồ, tắm rửa,… Lúc nào bạn cũng nơm nớp lo sợ, và chỉ mong có được chỗ nương thân. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người chọn trở về nhà.”

Martinez giải thích: “Những hạn chế về giới tính của nơi trú ẩn khiến tôi một lần nữa phải ra đường, sống sót nhờ thu nhập cố định dành cho người khuyết tật trong khi phải đối mặt với tiền thuê nhà quá cao. Nếu không có phiếu để được giảm giá thuê nhà, chắc giờ đây tôi vẫn còn lang thang ngoài đường, và ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra với tôi. Tuy vậy, năm nào tôi cũng lo lắng vì tiền thuê nhà tiếp tục tăng nhưng phiếu trợ cấp thì… vẫn vậy.”

Điều Martinez muốn chia sẻ, là chỉ mong mọi người hiểu được những nguy hiểm mà phụ nữ vô gia cư phải đương đầu hàng ngày, rằng họ cũng là những người tốt, và luôn mong có một ngôi nhà để sống lâu dài trong bình yên.

SAIGON NHỎ


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét